Tin tức

Tòa án Mỹ mở điều trần về sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vào chiều 7-2 giờ địa phương (sáng 8-2 giờ Việt Nam), Tòa phúc thẩm liên bang Khu vực số 9 của Mỹ ở San Francisco, bang California, tiến hành phiên điều trần đầu tiên để xem xét khả năng khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh của Chính phủ Mỹ vốn bị thẩm phán liên bang của TP. Seattle James Robart ngăn chặn trước đó.

3 hướng giải quyết

Tham dự phiên điều trần có các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ, đại diện cho chính quyền Washington và các luật sư đại diện cho 2 bang Washington và Minnesota. Đây cũng là cơ hội để chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump bảo vệ và khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi này.

 

Một phụ nữ người Somalia vui mừng gặp lại mẹ tại sân bay bang Virginia sau thời gian bị trì hoãn nhập cảnh Mỹ vì sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump
Một phụ nữ người Somalia vui mừng gặp lại mẹ tại sân bay bang Virginia sau thời gian bị trì hoãn nhập cảnh Mỹ vì sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump


Trước khi phiên điều trần diễn ra, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vào cuối ngày 6-2 đã hoàn tất việc bổ sung thông tin pháp lý để giải thích cho quyết định ra sắc lệnh. Theo bản báo cáo dày 15 trang do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình, sắc lệnh về di trú mà ông Trump ký hôm 27-1 là việc thực thi quyền của tổng thống một cách đúng luật và không phải là lệnh cấm nhằm vào cộng đồng Hồi giáo. Tòa phúc thẩm sẽ phải đưa ra 1 trong 3 quyết định: khôi phục sắc lệnh, duy trì đóng băng sắc lệnh, hoặc sẽ phải tổ chức thêm nhiều phiên điều trần khác.

Phía Nhà Trắng cho rằng, chính quyền sẽ chiến thắng trong vụ kiện và sắc lệnh sẽ được khôi phục trở lại để phục vụ mục đích an ninh quốc gia. Tổng thống Donald Trump đã có những tuyên bố biện minh cho quyết định mà ông coi là nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố từ các phần tử cực đoan. Trên trang cá nhân Twitter,  Tổng thống Trump đã chỉ trích kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây liên quan đến sắc lệnh cấm, theo đó phần lớn người dân Mỹ bày tỏ ý kiến phản đối quyết định cấm của chính phủ. Phía Nhà Trắng cũng đã công bố danh sách các âm mưu tấn công khủng bố chưa từng được tiết lộ. Cụ thể, trong khoảng từ tháng 9-2014 đến tháng 12-2016, đã có 78 vụ tấn công khủng bố trên khắp thế giới. Tuyên bố của Nhà Trắng cáo buộc giới truyền thông đã không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thông tin về các vụ tấn công này.

Nghi ngờ tính pháp lý

Sắc lệnh ban hành ngày 27-1 của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra làn sóng phản đối gay gắt trên toàn nước Mỹ và cộng đồng quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý liên quan đến sắc lệnh nhập cư với 10 cựu quan chức ngoại giao và an ninh, Tổng chưởng lý của 16 bang, 280 chuyên gia luật, 100  công ty, tập đoàn lớn và các tổ chức xã hội. Những người phản đối sắc lệnh cho rằng, văn bản này mang tính chất phân biệt đối xử và đáng nghi ngờ về mặt pháp lý. Các cựu quan chức phục vụ dưới thời các tổng thống Dân chủ và Cộng hòa đã đệ trình một tuyên bố lên tòa án rằng lệnh cấm không phục vụ các mục đích an ninh quốc gia. Tuyên bố trên được ký bởi các cựu bộ trưởng ngoại giao như John Kerry, Madeleine Albright, Condoleeza Rice và các Cựu giám đốc CIA như Michael Hayden và Michael Morell. Còn theo đơn kiện của các tập đoàn và công ty như Apple, Google, Microsoft, Netflix, Twitter, Uber… sắc lệnh kể trên cũng gây tổn thất đáng kể đối với việc kinh doanh, sáng tạo và phát triển của Mỹ.

Theo Economist, tòa án cấp bang không thể bãi bỏ sắc lệnh của ông Trump mà chỉ có thể ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp. Sắc lệnh chỉ bị bãi bỏ khi Tòa án Tối cao tuyên bố sắc lệnh đó là vi hiến. Tuy nhiên, quá trình chuyển sắc lệnh lên Tòa án Tối cao có thể mất tới cả năm và trong thời gian đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể thay đổi hệ thống nhập cư của Mỹ theo hướng khác.

Tổng hợp theo sggp

Có thể bạn quan tâm