Các bị cáo có thể thế chấp tài chính để tại ngoại trong quá trình xét xử nếu được tòa cho phép.
Ngày 12-12, Tòa hình sự Thái Lan bắt đầu xét xử cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch đảng Dân chủ và cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay với tội danh cố ý gây ra việc giết người.
Đại biểu tình ngày 9-12-2013 do ông Suthep cầm đầu bao vây Phủ Thủ tướng. Tổng cộng đã có 5 người chết và gần 300 người bị thương trong đợt biểu tình này. |
Đây là vụ án được Cục Điều tra các vụ án đặc biệt (DSI) điều tra xem xét về trách nhiệm của hai nhân vật này hồi năm 2010. Khi đó ông Abhisit Vejjajiva với cương vị là Thủ tướng và ông Suthep Thaugsuban là Phó Thủ tướng kiêm Giám đốc Trung tâm Xử lý tình trạng khẩn cấp, một cơ cấu cao nhất được lập ra nhằm đối phó với cuộc biểu tình bạo động dữ dội của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD-hay còn gọi là những người Áo Đỏ). Quân đội ra tay trấn áp người biểu tình đã được phép sử dụng đạn thật sau khi việc thương lượng nhằm giải tán cuộc biểu tình thất bại. Hơn 90 người bao gồm cả binh sĩ, nhà báo và người biểu tình đã chết, khoảng 2.000 người bị thương.
Từ đó cho đến nay, người Áo Đỏ liên tục biểu tình, những người bị thương và thân nhân người bị chết đã tiến hành hơn một ngàn vụ án đơn lẻ cáo buộc chính phủ lúc đó. Hàng trăm cáo buộc nhằm vào ông Abhisit Vejjajiva và ông Suthep Thaugsuban đã được Cục Điều tra các vụ án đặc biệt, một cơ quan chuyên điều tra các vụ án đặc biệt thuộc Bộ Tư pháp tổng hợp ghép lại thành một vụ điều tra trình lên và được Viện Công tố Thái Lan thụ lý.
Hơn 90 người đã chết mà phần lớn là những người Áo Đỏ trong cuộc đại biểu tình năm 2010 khi họ bị quân đội trấn áp giải tán. |
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố sẽ có mặt theo lệnh triệu tập của Viện Công tố ngày hôm nay để trình diện trước tòa. Trong khi đó, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban ngày 11-12 trong một tuyên bố tại diễn đàn biểu tình chống Chính phủ cho biết, cử luật sư tới Viện Công tố với đề nghị hoãn trình diện. Theo luật Thái Lan, đề nghị trì hoãn trình diện có thời hạn lâu nhất là 30 ngày với sự chấp thuận của Viện Công tố. Các bị cáo cũng có thể thế chấp tài chính để tại ngoại trong quá trình xét xử nếu được tòa cho phép.
Ông Suthep Thaugsuban hiện còn đối mặt với lệnh bắt của Tòa hình sự với tội danh “phản loạn” khi chủ mưu kêu gọi nổi loạn, phá hoại thể chế khi tổ chức cuộc biểu tình bạo động chống chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Mới đây còn bị kiện với tội danh “phạm thượng” vì đã kêu gọi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bất tuân sắc lệnh giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử mà Nhà Vua đã phê chuẩn.
Theo VOV