Tin tức

Toàn cảnh vụ đụng độ trên Biển Đen giữa Nga và Urkaine

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng biển gần Bán đảo Crimea đang trở thành 'chảo lửa' do căng thẳng trực diện giữa Nga và Ukraine liên quan đến chiến hạm, chiến đấu cơ và tuyên bố qua lại giữa hai quốc gia kể từ ngày 25/11.
Kênh RT (Nga) đưa tin vào khoảng 7 giờ sáng 25/11 (giờ địa phương), hai tàu chiến nhỏ và một tàu kéo thuộc Hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải Nga ở Biển Đen và hướng tới eo Kerch.
Cảnh
Cảnh "vờn nhau" giữa tàu Nga và Ukraine. Ảnh: TASS
Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) nhấn mạnh những tàu Hải quân Ukraine này đã băng qua eo biển Kerch trái phép.
Theo nguồn tin trên, phía Nga đã liên tục đề nghị tàu Ukraine rời lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, các tàu Hải quân Urkaine đã phớt lờ cảnh cáo này. FSB trong khi đó khẳng định các tàu Hải quân Ukraine đã đi vào khu vực mà Nga tạm thời đóng cửa.
Dưới đây là video Nga theo dõi tàu Ukraine vi phạm hải phận (nguồn: RT)

.
Tiếp đó, vào 11 giờ 30 phút (giờ địa phương), hai chiến hạm khác của Ukraine rời cảng Berdyansk ở Biển Azov hướng tới Eo biển Kerch. Tuy nhiên, hai tàu này sau đó đã quay trở lại cảng.
Ngay sau đó, Nga đóng eo biển Kerch. Một video quay tại địa điểm cho thấy một tàu vận tải lớn lừng lững nằm chắn dưới nhịp cầu Crimea và chặn cửa ngõ duy nhất qua eo Kerch. Hộ tống tàu vận tải to lớn này là một số chiến hạm của Nga (video dưới, nguồn: RT).
.
Không lâu sau đó, Tổng giám đốc cảng biển Crimea Aleksey Volkov xác nhận eo Kerch bị đóng cửa vì “các lý do an ninh”.
Quân đội Nga còn cử các chiến đấu cơ xuất kích để tăng cường an ninh tại địa điểm khi tình hình vẫn căng thẳng trong đó bao gồm tiêm kích Su-25 và trực thăng Ka-52 “lượn lờ” quanh cầu Crimea.
Tuy nhiên, các chiến hạm Ukraine vẫn duy trì hải trình bất chấp cảnh báo từ giới chức Nga. Hải quân Ukraine khẳng định đã thông báo tới Nga về việc chiến hạm của quốc gia này rời thành phố cảng Odessa tới cảng Mariupol tại Biển Azov.
Về phần mình, FSB tuyên bố động thái của các chiến hạm Ukraine là “khiêu khích” đồng thời lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến tình huống xung đột. Moskva còn công bố video cho thấy tàu Hải quân Ukraine tiếp cận gần với tàu của Nga.
Căng thẳng xảy ra trên eo biển Kerch. Ảnh: Reuters
Căng thẳng xảy ra trên eo biển Kerch. Ảnh: Reuters
Đến đêm 25/11, FSB thông báo các chiến hạm Nga đã buộc phải nổ súng sau khi 3 tàu Ukraine phớt lờ “yêu cầu dừng lại” và tiếp diễn hành vi nguy hiểm. Ba thủy thủ Ukraine bị thương đã được điều trị trong khi giới chức Nga tạm giữ 3 con tàu này. Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố có 6 thủy thủ bị thương trong vụ việc.
Sau đó không lâu, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko họp khẩn cấp Nội các Chiến tranh. Quốc hội Ukraine theo kế hoạch vào ngày 26/11 sẽ bỏ phiếu về việc có thiết quân luật tại quốc gia này hay không. Tổng thống Poroshenko khẳng định thiết quân luật không đồng nghĩa với điều động binh sĩ và chưa hề có kế hoạch cho bất cứ chiến dịch tấn công nào.
Phía Nga trong khi đó đã đề nghị Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc tổ chức họp vào ngày 26/11 với nội dung xoay quanh “duy trì an ninh và hòa bình quốc tế”. Cuộc họp bất thường của HĐBA LHQ sẽ diễn ra vào lúc 23 giờ ngày 26/11 (theo giờ Việt Nam).
Hà Linh/ Báo Tin tức 

Có thể bạn quan tâm