Tin tức

Tổng thống Nga: Các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng đàm phán ngoại giao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo TASS, trong ngày 22/12, giới chức ở Moscow đã lên tiếng về chuyến thăm Mỹ chớp nhoáng của ông Zelensky. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói cuộc hội đàm giữa ông Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy cả Washington và Kyev đều không muốn hòa bình, mà thay vào đó họ muốn giao tranh tiếp diễn.

Nga muốn chấm dứt xung đột song cũng cứng rắn cảnh báo

Ông Peskov-người phát ngôn điện Kremlin cũng nói rằng hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ vừa đồng ý cung cấp cho Ukraine sẽ không thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu trong cuộc xung đột sắp bước sang tháng thứ 11.Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày nói Nga muốn chấm dứt chiến sự ở Ukraine và tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng đàm phán ngoại giao.

Tổng thống Nga: Các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng đàm phán ngoại giao ảnh 1
 

Tổng thống Zelensky gặp Tổng thống Biden tại Mỹ. Ảnh: Reuters

"Mục tiêu của chúng tôi không phải là quay bánh đà của xung đột, mà ngược lại, là chấm dứt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ cố gắng chấm dứt chuyện này, và tất nhiên là càng sớm càng tốt"- ông Putin nói, theo Reuters.

"Sớm hay muộn, bất kỳ bên nào trong xung đột đều sẽ ngồi xuống và thỏa thuận. Những người chống lại chúng tôi nhận ra điều này càng sớm thì càng tốt. Chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ điều này"- Tổng thống Nga nói.

Tổng thống Zelensky và tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã gặp nhau hôm 22/12 tại Ba Lan khi nhà lãnh đạo Ukraine đang trên đường về nước sau chuyến thăm Mỹ.

Với gần 2 giờ đồng hồ,  tổng thống Ucraine và tổng thống Ba Lan đã trao đổi với nhau về nhiều vấn đề. “Trước tiên, họ nói về chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với việc hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, họ cũng nói về quan hệ song phương giữa Ba Lan và Ukraine"- trợ lý của tổng thống Ba Lan Pawel Szrot nói với Reuters.

Ba Lan đóng vai trò là địa điểm "quá cảnh" trong chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky, chuyến đi đã được chuẩn bị suốt nhiều tháng. Nhà lãnh đạo đã bí mật đi tàu đến miền nam Ba Lan rồi sau đó bay đến Washington D.C bằng máy bay của chính phủ Mỹ. Tại thủ đô Mỹ, ông Zelensky đã được bảo vệ với an ninh nghiêm ngặt, tương đương chuyến thăm cấp nhà nước.

Điện Kremlin nói Mỹ, Ucraine phớt lờ những lo ngại của nước này và cáo buộc Washington “gián tiếp chiến đấu với Nga” sau chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky. "Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng cho đến nay, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều chưa nói dù chỉ là vài từ có thể được coi là sẵn sàng lắng nghe những lo ngại của Nga"- phát ngôn viên Điện Kremlin nói trong một cuộc họp báo.

Những động thái tiếp theo

Tiếp sau hội nghị chớp nhoáng giữa ông Zelensky và ông Biden tại Mỹ, ngày 22/12, người phát ngôn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Barend Leyts cũng cho biết: “Tôi có thể xác nhận cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)- Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 3/2/2023. Chúng tôi cũng đã có có lời mời ông Zelensky tới thăm Brussels”.

Ông Leyts cho biết việc mời ông Zelensky tới Brussels không có nghĩa đó là hội nghị sẽ diễn ra tại đây, vì địa điểm tổ chức vẫn chưa được xác nhận. Tại hội nghị, các nước thành viên cũng sẽ đánh giá lộ trình gia nhập EU của Ukraine- theo Reuters.

Nhận định về chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine, tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin, ông Volodymyr Zelensky đã không đạt mục tiêu nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn. Tờ báo này chú ý đến sự khác biệt trong quan điểm của ông Joe Biden và ông Zelensky về nhu cầu quân sự của Ukraine. Washington Post cho rằng: “Tổng thống Ukraine và các cố vấn tiếp tục khăng khăng yêu cầu Washington gửi những vũ khí tân tiến mà ông Biden không muốn cung cấp”.

Trong khi đó nhận định về quan hệ Mỹ- Nga sau chuyến thăm của ông Zelensky tới Mỹ, hãng Sputnik cho rằng, nước Mỹ đang chờ đợi các cuộc thảo luận xung quanh việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao và khả năng đàm phán với Nga. 

Trong một diễn biến khác, ngày 22/12, Đại sứ Trung Quốc Trương Hán Huy tại Nga khẳng định: “Là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là đại diện của các quốc gia thị trường đang nổi lớn, Trung Quốc và Nga cam kết làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược bền vững, bảo vệ vững chắc hệ thống quốc tế do Liên Hợp Quốc đứng đầu và trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, cùng nhau phản đối chủ nghĩa bá quyền và cường quyền, là những trụ cột của thực tiễn chủ nghĩa đa phương thực chất và duy trì công lý quốc tế”.

Sputnik dẫn phát ngôn ông Huy lưu ý rằng, trên thực tế, có một nhóm nhỏ các quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của những nước khác nhằm duy trì quyền bá chủ toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng phổ biến là dân chủ hóa các quan hệ quốc tế và đa cực hóa thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định quan hệ hợp tác đối tác và chiến lược toàn diện Nga-Trung đã phát triển lên một tầm cao mới trong năm qua. 

T.S (từ TTXVN, TNO, baoquocte.vn)

Có thể bạn quan tâm