Tin tức

Tổng thống Pháp kêu gọi một Hiệp ước châu Âu mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nicolas Sarkozy bày tỏ mong muốn xây dựng một Hiệp ước châu Âu mới, trên cơ sở bàn bạc, soạn thảo giữa hai trụ cột là Pháp và Đức.

3 năm sau khi có bài phát biểu gây tiếng vang về chủ đề “đạo đức hóa tư bản chủ nghĩa”, cũng tại thành phố Toulon, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có bài phát biểu thứ hai kéo dài 1h trước 5.000 người, về các giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay của châu Âu.

Bài phát biểu mới đây của ông Sarkozy không được đánh giá cao.
Bài phát biểu mới đây của ông Sarkozy không được đánh giá cao.
Tuy nhiên, phe đối lập và giới phân tích cho rằng, bài phát biểu của Tổng thống Sarkozy chỉ nhằm lý giải thất bại của chính ông trong việc thúc đẩy kinh tế nước Pháp.


Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bày tỏ mong muốn xây dựng một Hiệp ước châu Âu mới, trên cơ sở bàn bạc, soạn thảo giữa hai trụ cột là Pháp và Đức. Ông Sarkozy cũng cho biết, vào thứ Hai tuần tới (7-12) ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel để trao đổi quan điểm giữa hai nước trong việc “đảm bảo tương lai cho châu Âu”.

“Châu Âu phải đoàn kết, phải cải cách và để có thể đoàn kết tốt đòi hỏi phải có những kỷ luật chặt chẽ. Nước Pháp đoàn kết với nước Đức trong quan điểm ủng hộ một hiệp ước châu Âu mới. Cần phải thực thi trách nhiệm lớn hơn trước người dân để có một chính phủ được quản lý thực sự tốt về kinh tế, đó là tầm nhìn của chúng tôi về tương lai khu vực đồng euro và các cải cách tương lai về chế độ hưu trí”, ông Sarkozy nói.

Trước đó, hôm thứ Năm tuần trước, Ba Lan- nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu cũng bày tỏ ủng hộ việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon để đối phó hiệu quả với khủng hoảng. Vào thứ 6 tuần này (2-12), đến lượt Thủ tướng Đức Merkel phải trình bày về việc sửa đổi này với Hạ viện Đức (còn gọi là Bundestag). Nước Đức lâu nay vẫn muốn áp dụng một kỷ luật “sắt” trong chi tiêu ngân sách đối với các thành viên khu vực sử dụng đồng euro.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp bày tỏ tin tưởng rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ hành động kịp thời khi có nguy cơ giảm phát đe dọa châu Âu. Đây được xem như một hành động của Pháp trấn an dư luận khi mà trước đó chỉ vài giờ, Chủ tịch mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi từ chối để ngân hàng này đóng vai trò như chủ nợ cuối cùng cứu các nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro, tương tự như vai trò của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

3 năm trước, cũng chính tại Toulon, ông Sarkozy cũng từng có bài phát biểu với nhiều hứa hẹn về việc “đạo đức hóa chủ nghĩa tư bản”, song thực tế chứng minh kết quả đem lại không hề khả quan, nếu không nói là tồi tệ hơn. Bài phát biểu lần này của ông do đó không thuyết phục được số đông người dân và chuyên gia kinh tế Pháp.

Tổng thư ký Đảng Xã hội Pháp Martin Aubry khẳng định, bà thấy nhiều sự phản đối đối với bài phát biểu của ông Sarkozy: “Chúng ta hãy nhớ lại bài phát biểu tại Toulon vào năm 2008, Tổng thống đã hứa sẽ đạt được đột phá trong lĩnh vực tài chính, nhưng cho đến nay chính các vấn đề ngân hàng tài chính chưa được cải cách khiến chúng ta gặp khó khăn. Vị Tổng thống mà sắp tới cũng là một ứng cử viên Tổng thống đang cố gắng tự lý giải cho các sai lầm trong chính sách quản lý kinh tế”.

Cũng trong bài phát biểu ngày 1-12, ông Sarkozy thông báo vào tháng 1-2012 sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về việc làm tại Pháp.

Về khả năng châu Âu áp dụng bảo hộ để giải quyết khủng hoảng- điều mà người dân châu Âu nói tới nhiều thời gian gần đây, Tổng thống Pháp tuyên bố không ủng hộ vì chủ nghĩa bảo hộ sẽ đẩy thế giới rơi vào thảm họa.

Đáng chú ý liên quan trực tiếp đến người dân Pháp, Tổng thống Sarkozy thừa nhận các quy định tuổi về hưu là 60 tuổi và thời gian làm việc 35 giờ mỗi tuần là những sai lầm nghiêm trọng khiến nước Pháp phải hứng chịu những hậu quả nặng nề và Pháp sẽ phải sửa đổi.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm