Tin tức

Tổng thống Philippines: Sẽ bỏ tù người từ chối tiêm vắc-xin Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa sẽ bỏ tù những người từ chối tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 khi nước này đang đối mặt với một trong những đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất châu Á, với hơn 1,3 triệu ca nhiễm và hơn 23.000 người tử vong.

Ông Duterte tuyên bố như thế trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 21-6, sau khi có báo cáo về số lượng người tham gia tiêm chủng thấp tại một số điểm tiêm chủng ở thủ đô Manila.

Lời của ông Duterte trái ngược với phát ngôn của các quan chức y tế, những người này nói rằng mặc dù mọi người được khuyến khích tiêm vắc xin Covid-19 nhưng đó là hoạt động tự nguyện.

Reuters dẫn lời ông Duterte nói: "Đừng hiểu sai ý tôi, đang có một cuộc khủng hoảng ở đất nước này. Tôi chỉ bực tức vì người Philippines không quan tâm đến chính phủ".


 

Tới ngày 20-6, Philippines tiêm phòng đầy đủ cho 2,1 triệu người. Ảnh: Reuters
Tới ngày 20-6, Philippines tiêm phòng đầy đủ cho 2,1 triệu người. Ảnh: Reuters


Tính đến ngày 20-6, nhà chức trách Philippines mới tiêm phòng đầy đủ cho 2,1 triệu người, khiến tiến độ chậm hơn so với mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 70 triệu người tại quốc gia 110 triệu dân trong năm nay.

Cũng trong ngày 21-6, chính phủ Philippines ký thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc-xin Covid-19 do hãng dược phẩm BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) phát triển để đáp ứng chương trình tiêm chủng quốc gia vắc-xin Covid-19.

Đây là hợp đồng mua vắc-xin Covid-19 lớn nhất mà chính phủ Philippines ký trong năm nay. Theo ông Carlito Galvez, người đứng đầu bộ phận mua vắc-xin Covid-19 của chính phủ, vắc-xin của Pfizer sẽ được xuất xưởng sau 8 tuần, tức là từ tháng 8-2021 và sẽ được phân phối cho các tỉnh và khu vực ở nước này.

Philippines đã đặt hàng 113 triệu liều từ 5 nhà sản xuất vắc-xin, bao gồm 26 triệu liều từ Sinovac của Trung Quốc, 10 triệu liều Sputnik V của Nga, 20 triệu liều từ hãng Moderna và 17 triệu liều từ hãng AstraZeneca.

Bộ Y tế Indonesia thông báo trong 24 giờ qua có thêm 14.536 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Như vậy, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia vượt ngưỡng 2 triệu ca, trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á.

Sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 khiến chính quyền các tỉnh thành siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, nhất là khi cả 3 biến thể nguy hiểm đều được ghi nhận tại Indonesia.

Tình hình tại Malaysia cũng đáng quan ngại. Ngày 21-6, Malaysia ghi nhận 595 ca bệnh mới và có 3 trường hợp tử vong. Đây là số ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi quân đội nắm chính quyền.

Các ca nhiễm mới tăng vọt trong tháng này, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng nhiễm dịch Covid-19 lớn hơn nhiều. Nhiều ca nhiễm mới đã được báo cáo từ gần biên giới với Ấn Độ.

Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã cảnh báo về sự bùng phát ngày càng tăng ở nước này.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng của Myanmar chậm lại đáng kể sau cuộc đảo chính, do một số người từ chối tiêm chủng như cách thể hiện sự phản đối chính quyền do quân đội kiểm soát.

 

Malaysia hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất ở Đông Nam Á, khi làn sóng dịch mới kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Malaysia hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất ở Đông Nam Á, khi làn sóng dịch mới kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Ngày 21-6, WHO cho biết thiết lập một "trung tâm chuyển giao công nghệ" có thể giúp các công ty ở châu Phi bắt đầu sản xuất vắc-xin mRNA - công nghệ tiên tiến hiện được sử dụng trong vắc-xin của Pfizer và Moderna - trong vòng 9-12 tháng. Cũng theo thông báo của WHO, đến nay có hai công ty đăng ký và cho biết họ đang đàm phán với Pfizer và Moderna về việc tham gia.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi đây là một bước đi lịch sử để truyền bá công nghệ cứu người.

Theo Huệ Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm