Ngày 6-8, đánh dấu 67 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi tất cả các nước hợp tác nhằm xóa bỏ mối đe dọa của các loại vũ khí hạt nhân.
Người dân Nhật Bản cầu nguyện cho các nạn nhân bom nguyên tử tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima. |
Trong thông điệp gửi tới Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm họa ngày 6-8-1945, khi một quả bom nguyên tử của Mỹ được thả xuống thành phố Hiroshima, ông Ban Ki-moon khẳng định thảm họa Hiroshima cách đây nhiều thập kỷ tiếp tục vang vọng đến hôm nay.
Thế giới không được để xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân khác tương tự như cuộc tấn công trên. Xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân không những là một mục tiêu lâu dài mà còn là biện pháp tin cậy nhất để ngăn chặn việc sử dụng chúng trong tương lai.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh mọi người cần hiểu rằng, các loại vũ khí hạt nhân không thể được sử dụng bởi vì chúng có những tác hại rất lớn đến cuộc sống của người dân, loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân là đúng đắn về phương diện đạo đức và cần thiết trong việc bảo vệ con người.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kể lại những câu chuyện của các nạn nhân thảm họa này nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của các loại vũ khí hạt nhân và sự cần thiết phải loại bỏ chúng. Ông Ban Ki-moon cho biết để ủng hộ những nỗ lực đó, Liên hợp quốc vừa công bố một trang mạng để những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử kể lại các câu chuyện của họ.
Đây là việc làm rất quan trọng để mọi người, đặc biệt thế hệ trẻ hơn, ở tất cả các nước, có thể nghe và hiểu những tác động lâu dài của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong bức thông điệp gửi Diễn đàn Thế giới 2012 chống bom nguyên tử, được tổ chức sau Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng việc đạt được một tương lai không có các loại vũ khí hạt nhân sẽ đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và các nước cần hành động hướng tới mục tiêu này.
Ông nói: “Chỉ riêng các tổ chức hòa bình không thể thực hiện giải trừ vũ khí. Tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, thu nhập, nghề nghiệp, giới tính hoặc quốc tịch, đều có quyền lợi trong việc giải trừ các loại vũ khí".
Theo TTXVN