Trong quá khứ, mỗi khi đứng trước dịch bệnh và sự khủng hoảng y tế đe dọa an nguy của cộng đồng ở phương Nam, thì các thương gia, nhà hảo tâm lại rộng tay hỗ trợ xây dựng những nhà thương, trại tế bần để củng cố năng lực y tế, cứu trợ dân nghèo, hạn chế mất mát cho cộng đồng.
Tinh thần nghĩa hiệp, nghĩa tình và hào sảng đó như một tố chất nổi trội ở TP HCM mà trong những ngày giãn cách bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 này, chúng ta có thể thấy rõ.
Năm ngoái, những cây "ATM gạo" xuất hiện trên đường phố cùng những tủ bánh mì, tủ gạo hay "ATM thực phẩm" miễn phí của Báo Người Lao Động với "slogan" bộc trực theo lối văn nói "nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác" đã thể hiện một nét tâm tính cộng đồng: thực thi tình nhân ái nhưng cũng đề nghị một sự tự giác, tiết chế nơi người nhận được sự giúp đỡ. Vì điều đó có liên đới biết bao người đồng cảnh ngộ cũng đang cần được sẻ chia. Điều đó đánh thức cả trách nhiệm, sự vị tha nơi chính người được hưởng sự trợ giúp.
"ATM gạo", "ATM thực phẩm" miễn phí đơn giản là một ý tưởng vị tha và cụ thể hóa của lòng bác ái giữa đời sống. Rồi cũng từ ý tưởng "sáng chế" đó, trong đợt bùng phát dịch lần này, ta gặp những ống nhựa "lướt" ra các phần cơm miễn phí cho người nghèo đến nhận mang về.
Vậy là từ "lướt ống" ra đời, bổ sung vào từ điển ngôn ngữ nhân ái kiểu người TP HCM. Rồi ngoài cách "lướt ống" ra, còn có những chiếc "tủ lạnh Thạch Sanh" đặt ở các quận, cung cấp rau xanh, trứng, sữa cho người nghèo với thông điệp cũng giản dị không kém được phát đi trên mạng xã hội: "Giờ này ai đói thì ghé "tủ lạnh Thạch Sanh" lấy đồ nhen!".
Một thành viên của nhóm xe đạp "Vòng vòng Sài Gòn" ngày ngày cũng lan tỏa hình ảnh đạp xe "dạo chơi" TP HCM nhưng phía sau có thêm "rơ-moóc" chở cơm hộp, mì gói, nhu yếu phẩm... tặng những người nghèo gặp trên đường phố. Và còn biết bao ý tưởng hào sảng như thế đang được các đơn vị, người TP HCM triển khai một cách tự nhiên trong đời sống những ngày tháng đầy khó khăn, thử thách. Trong đó, Báo Người Lao Động có nhiều chương trình nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của doanh nghiệp, bạn đọc, nhà hảo tâm khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài: Năm ngoái là chương trình "Cùng cộng đồng chung tay phòng chống Covid-19" còn hiện tại là chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch".
Các "sáng chế" từ lòng vị tha mà ngay từ cách gọi tên cũng đã truyền đi thông điệp thật gần gũi, thẳng thắn, phóng khoáng, không câu nệ - theo đúng tinh thần, khí chất của người dân TP này. Những câu "mời mọc" cũng thể hiện cách cho, thái độ hướng đến người nghèo bằng sự quan tâm và nể trọng.
Biết đặt mình trong hoàn cảnh người khác để sống vị tha, biết nghĩ tới cộng đồng chung trong tình liên đới bền chặt để sống có trách nhiệm, đó là phẩm cách đẹp của một TP hội tụ người dân tứ xứ.
TP HCM đang chiến đấu với dịch Covid-19 bằng nội lực tinh thần được hình thành từ trong bề dày lịch sử văn hóa của một vùng đất. Dĩ nhiên, cùng với những biện pháp y tế trong khống chế dịch bệnh, TP cũng đang cần sự trợ lực bằng những chính sách an sinh kịp thời, hiệu quả để người nghèo vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất của đời người.
Theo NGUYỄN TƯỜNG (NLĐO)