Tin tức

"Tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát biểu khai mạc Hội thảo diễn ra ngày 8-9 tại Moscow, ông Sergei Baburin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Quốc tế Quỹ Hòa bình, khái lược tình hình Biển Đông thời gian gần đây với những diễn biến gây lo ngại cho dư luận chung và khẳng định sự cần thiết của hội thảo chuyên đề này.

Trình bày báo cáo chính thức, ông Grigori Lokshin, Tổng Thư ký BCH Hiệp hội Quốc tế Quỹ Hòa bình tại Viên, cán bộ khoa học hàng đầu của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nêu khái quát về những vấn đề, diễn biến liên quan đến Biển Đông.

 

Ông Sergei Baburin chủ trì Hội thảo.
Ông Sergei Baburin chủ trì Hội thảo.

Ông Lokshin đánh giá, Biển Đông mang những ý nghĩa kinh tế, địa chính trị và địa chiến lược hết sức quan trọng của khu vực, là con đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là một trong những con đường vận tải hàng hải sầm uất nhất của thế giới. Chính vì thế, những tranh chấp xảy ra ở vùng biển này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có Nga.

Theo ông Lokshin, trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông xảy ra ở 3 cụm vấn đề chính là phân định ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Chủ quyền với các đảo; Tự do lưu thông hàng hải và hàng không. Các bên tranh chấp đều đã ký Công ước khung về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, qua đó xác định các quyền của các quốc gia ven biển.

Thế nhưng cuộc chiến pháp lý đã xảy ra giữa các nước ven biển với Trung Quốc kể từ năm 2009 đến nay. Và sự việc càng trở nên căng thẳng kể từ khi Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) công bố phán quyết ngày 12-7 vừa qua, theo đó không công nhận yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời cho biết Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở vùng biển này.

Ông Lokshin cho rằng, phán quyết từ PCA có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích rõ ràng các quy định của UNCLOS và tất cả các vấn đề khác mà các bên cùng quan tâm trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phán quyết từ PCA trở thành một điều kiện tiên quyết và cơ sở pháp lý cho các bên liên quan trong khu vực tiếp tục đối thoại và hợp tác trong tương lai.

Phán quyết từ PCA đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông, cung cấp công cụ pháp lý và khuyến khích dư luận các quốc gia vừa và nhỏ của khu vực Đông Nam Á bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong khu vực tranh chấp biển; từ chối đòi hỏi của Trung Quốc, đặc biệt là những kế hoạch lớn của họ trong việc xây dựng một “con đường tơ lụa trong thế kỷ XXI”.

 

Các chuyên gia xem xét một bản đồ cổ liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các chuyên gia xem xét một bản đồ cổ liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia và nhà khoa học tham gia cuộc Hội thảo Bàn tròn gồm cả các nhà Việt Nam học, các cựu chiến binh từng công tác ở Việt Nam, cả các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế của Nga đã cùng nhau thảo luận về tình hình trong khu vực và bày tỏ hy vọng rằng, các tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giải quyết bởi các quốc gia liên quan bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, bằng con đường đàm phán và không có sự can thiệp của các quốc gia ngoài khu vực.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quan điểm này đã nhiều lần được nêu ra trong các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Nga và Việt Nam, theo đó, các tranh chấp phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhà sử học, nhà Việt Nam học Evgheni Kobelev, sau khi đưa ra những lập luận của mình về những vấn đề hiện nay ở Biển Đông nhấn mạnh: “Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là đối tác quan trọng của Nga, chúng tôi quan tâm sâu sắc và rất mong Việt Nam và Trung Quốc sẽ duy trì tốt quan hệ hợp tác, hữu nghị. Nga mong rằng, hai nước sẽ ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp và Nga sẽ ủng hộ tiến trình này”.

Học giả Pavel Gudev, Chuyên gia Luật quốc tế, Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử cao cấp thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới mang tên Primakov tham luận tại Hội thảo lý giải phát biểu của Tổng thống Nga Putin và những cơ sở pháp lý mà Tòa án PCA đưa ra phán quyết.

Ông Gudev khẳng định quan điểm của Nga là không ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, nhưng Nga chỉ muốn nói là không công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài vì nó được thông qua mà không có sự tham gia của Trung Quốc.

Bà Maria Zelenkova có tham luận phân tích về những điều bất lợi khi có sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề khu vực mà cụ thể là Mỹ và khẳng định: “Rõ ràng là những tranh chấp về lãnh thổ là vấn đề rất khó giải quyết, nhưng việc giữ gìn hòa bình còn phức tạp hơn. Nhiệm vụ đặt ra là phải làm thế nào để ổn định lại những bất đồng, xung đột này và để làm điều đó thì chỉ có những nước liên quan cùng nhau giải quyết bằng thương lượng hòa bình và không thể có sự tham gia nào từ bên ngoài”.

Cuối cuộc Hội thảo, các đại biểu đã cùng xem những hình ảnh tư liệu, giới thiệu nhiều bản đồ cổ của Việt Nam và thế giới, theo đó khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo của Việt Nam.

Kết thúc Hội thảo, trả lời phỏng vấn của các phóng viên Việt Nam, ông Sergei Baburin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Quốc tế Quỹ Hòa bình khẳng định: “Một điều hết sức quan trọng là các chuyên gia, các nhà khoa học hội tụ về đây để cùng nhau phân tích những vấn đề nảy sinh xung đột, những tác động xấu giữa 2 người bạn, giữa hai đông minh tốt của Nga là Trung Quốc và Việt Nam. Quan trọng hơn là chúng tôi đã cùng thống nhất rằng, mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng sự tôn trọng lẫn nhau, tính đến lợi ích của nhau. Mặt khác cần giữ được uy tín của nhau và cần có sự nhượng bộ”.

Cuộc hội thảo này đã được Hiệp hội Quốc tế các Quỹ Hòa bình lên kế hoạch tổ chức từ lâu. Trong bối cảnh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đang căng thẳng hiện nay, việc Hiệp hội đứng ra tổ chức và mời rộng rãi các nhà nghiên cứu, các bên quan tâm tham gia hội thảo đã tạo cơ hội để Nga bày tỏ rõ hơn quan điểm của mình trước vấn đề phức tạp này.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm