Thời sự - Bình luận

Tránh tâm lý đám đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 19-12 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh, lên trên mức 2.000 USD/ounce (khoảng 59 triệu đồng/lượng).

Nguyên nhân là giới đầu tư dự báo kinh tế thế giới suy thoái trong năm 2024, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất nhanh và mạnh năm 2024, sự không chắc chắn về việc kết thúc các cuộc xung đột Israel - Hamas, Nga - Ukraine…

Từ ngày 19-12 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh, lên trên mức 2.000 USD/ounce (khoảng 59 triệu đồng/lượng). Nguyên nhân là giới đầu tư dự báo kinh tế thế giới suy thoái trong năm 2024, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất nhanh và mạnh năm 2024, sự không chắc chắn về việc kết thúc các cuộc xung đột Israel - Hamas, Nga - Ukraine…

Theo đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước có lúc chênh với thế giới 20 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế. Nguồn cung hạn chế bởi vàng SJC không được sản xuất thêm, mà chỉ còn ở trong dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, các kênh đầu tư truyền thống như: chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu...

Việc nhà đầu tư tìm đến kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng khiến giá vàng liên tục tăng mạnh. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thị trường quốc tế, vàng cũng đang là kênh đầu tư được quan tâm. Nhưng, giá vàng trong nước đang mang nặng tính đầu cơ và luôn cao hơn giá thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng có những lúc kéo giãn khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến gần 2 triệu đồng/lượng. Nghĩa là người bán đang đẩy rủi ro về phía người mua.

Ngày 27-12, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành yêu cầu khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua…

Thị trường vàng đang được điều chỉnh bởi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng). Nghị định 24 đã đạt được mục tiêu ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, không để biến động của giá vàng tác động đến thị trường ngoại tệ; loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng (trước đây các tổ chức tín dụng được huy động, bán vàng, cho vay). Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tình hình đã khác và có những quy định tại Nghị định 24 cần sửa đổi, bổ sung.

Giới kinh doanh cho biết, với chênh lệch giá lớn, thực trạng buôn lậu vàng về Việt Nam trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải mua vàng với giá đắt trong khi thị trường khan hiếm về chủng loại và chất lượng… Theo NHNN, trong tháng 1-2024, cơ quan này sẽ có báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Câu chuyện thị trường vàng Việt Nam “một mình một chợ” đã trở thành đề tài thảo luận lâu nay, và được một số đại biểu chất vấn lãnh đạo NHNN tại diễn đàn Quốc hội giữa năm 2022. Việc sửa đổi Nghị định 24 cũng đã được nhiều ý kiến đề xuất. Tuy vậy, đến thời điểm này, quan điểm của cơ quan quản lý vẫn là không khuyến khích đầu cơ vàng miếng, kiên định mục tiêu chống vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế.

Với người mua vàng, việc đầu cơ, lướt sóng khi chênh lệch 2 chiều mua vào - bán ra lên tới cả triệu đồng mỗi lượng vàng là vô cùng rủi ro. Trường hợp vay mượn, sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao để lướt sóng trong lúc giá vàng đạt trạng thái tăng nóng rõ ràng là mạo hiểm. Vàng lấp lánh và đầy sức hấp dẫn, nhưng trong cơn “lên đồng” của giá vàng, người mua cũng cần thận trọng, tránh tâm lý đám đông.

Chưa rõ cơ quan quản lý sẽ can thiệp ra sao, nhưng lúc này việc giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và đưa lãi suất xuống thấp vẫn là biện pháp cần thiết để dòng tiền được nắn chỉnh vào sản xuất kinh doanh.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Có thể bạn quan tâm