Tin tức

Trên "bàn cờ" Biển Azov, ông Putin đang "chiếu tướng" hiểm hóc Ukraine?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa lúc những người bảo hộ phương Tây của Ukraine đang mải mê đấu đá nội bộ, những tính toán của Nga ở Crimea giờ đây mới phát huy.
 
Cầu Crimea.
Khi khánh thành cây cầu mới nối Crimea với phần còn lại của nước Nga trên biển Azov vào tháng 5, các quan chức Nga cho biết họ dự định sẽ tích hợp bán đảo vào cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước.
Bằng cách hạn chế tàu thuyền vượt qua eo biển Kerch bên dưới nhịp cầu khổng lồ, bước đi này đã mang lại cho Điện Kremlin khả năng kiểm soát sự tiếp cận hàng hải với một vùng biển có kích thước bằng cả Thụy Sĩ.
Chiến lược dành riêng cho Ukraine
Vào ngày 25/11, Moscow đã dùng một tàu chở hàng cỡ lớn đặt dưới cây cầu để chặn lối vào Biển Azov. Các tàu tuần tra biên phòng Nga đã bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraine sau khi nổ súng và làm bị thương nhiều thủy thủ.
Ngày hôm sau, cơ quan an ninh FSB của Nga cho biết cuộc đối đầu xảy ra sau khi các tàu Ukraine xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Nga. Về phần mình, Ukraine từ chối cho rằng các tàu của mình đã làm bất cứ điều gì sai trái.
Nga bây giờ đã mở cửa trở lại eo biển, nhưng cuộc đụng độ là một minh chứng khác cho thấy mục đích của Moscow trong việc sử dụng các thủ thuật phi quân sự để vẽ lại bản đồ địa chính trị, theo Reuters.
Cây bút Peter Apps nhận định, đây là một chiến lược dành riêng cho kẻ thù của Tổng thống Vladimir Putin - đặc biệt là Ukraine, quốc gia vẫn đang rơi vào một cuộc chiến bất tận dọc theo biên giới Nga, nhưng đang được các quốc gia NATO hậu thuẫn.
Ukraine và các đồng minh phương Tây của mình giờ đây sẽ phải quyết định cách phản ứng phù hợp. Nhiều người tin rằng Ukraine có thể đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn như đáp trả quân sự với Nga.
Tuy nhiên, trên thực tế là không có bên nào muốn có một xung đột mà họ không thể kiểm soát được. Điều này cũng giống như trên một bàn cờ tướng. Nga và Ukraine có đạn dược, tàu chiến, máy bay và nhân lực, nhưng mọi thứ đang được cân bằng.
Xu hướng của các cuộc xung đột trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay đang sử dụng sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn đi kèm với những chiến lược về mặt tuyên truyền.
Những cuộc đối đầu như vậy phần lớn là không đổ máu - như những tranh chấp ở Biển Đông hoặc bạo lực ở Donbass hay các cuộc chiến ủy quyền ở Syria và Yemen.
Những cuộc đối đầu như vậy đang xuất hiện ngày càng nhiều, được thúc đẩy bởi sự căng thẳng ngày càng tăng trên một loạt các chủ đề từ thương mại đến nhân quyền.
Những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh đã làm suy yếu hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Papua New Guinea hồi đầu tháng này. Cuộc khủng hoảng biển Azov dự kiến cũng sẽ là chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, nơi mà cả Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ​​sẽ tham dự.
Giữa lúc phương Tây chia rẽ
 
Trong lúc Nga-Ukraine đụng độ, Tổng thống Trump đang mải chỉ trích các đồng minh châu Âu.
Một thực tế cho thấy rằng, vùng biển quanh Crimea đang đặt dưới sự kiểm soát của Nga. Trước khi cuộc đụng độ vừa rồi diễn ra, các chỉ huy Ukraine đã khoe khoang rằng họ sẽ mở một căn cứ hải quân trên Biển Azov vào dịp Giáng sinh, với mục đích được cho là ngăn khu vực này nguy cơ trở thành một Crimea mới.
Rõ ràng là chiến thuật này gần như chắc chắn sẽ nhận về sự phản ứng của Nga, đồng nghĩa với việc Ukraine dường như đang tìm kiếm các lựa chọn khác.
Mặc dù được tăng viện trợ quân sự từ phương Tây kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Ukraine vẫn nằm ngoài NATO. Điều này đồng nghĩa với việc các nước phương Tây không có nghĩa vụ phải hành động bảo vệ Kiev theo hiệp ước.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu và nhiều người trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ muốn hỗ trợ trực tiếp hơn nữa cho Ukraine, bao gồm đào tạo quân sự và chuyển giao vũ khí.
Dự kiến trong thời gian tới, tàu chiến Mỹ và các tàu chiến khác của NATO có thể tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đen. Các cuộc đối đầu ngoài khơi dự kiến cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, những động thái của phương Tây như vậy sẽ càng làm Nga thêm cứng rắn trong các hành động của mình. Đổi lại, sẽ có thêm các áp đặt trừng phạt đáp trả lại. Ngoài ra, sự cố này cũng có thể sẽ củng cố những nỗ lực của NATO trong việc nâng cấp hệ thống phòng thủ Đông Âu của mình.
Có lẽ phản ứng quan trọng nhất về cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine cuối tuần trước là tuyên bố chỉ trích châu Âu của ông Trump trên Twitter. Trong đó ông tiếp tục yêu cầu các đồng minh trả “phần tiền bảo hộ quân sự một cách công bằng” cho nước Mỹ.
Tất cả điều này sẽ làm tối đi tâm trạng ở G20. Các nhà lãnh đạo châu Âu từ đầu đã xác định chống lại Tổng thống Trump giờ đây sẽ càng giận dữ hơn. Mặc dù cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được coi là sự kiện chính; nhưng hiện tại, một cuộc gặp với người đồng cấp Putin sẽ còn là tâm điểm chú ý hơn nữa.
Quốc Vinh (Người Đưa Tin)

Có thể bạn quan tâm