Tin tức

Triều Tiên bác đề nghị đối thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đã không xuất hiện công khai trong vòng 2 tuần qua, làm dấy lên nhiều phỏng đoán ông sẽ hạ giọng đe dọa từng đưa ra trước đó.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) hôm 14-4 đưa tin lần cuối cùng ông Kim Jong-un xuất hiện trước công chúng là vào ngày 1-4, khi ông chủ trì phiên họp quốc hội Triều Tiên. Sự vắng mặt nói trên rất đáng chú ý bởi Triều Tiên đang bước vào chuỗi các sự kiện chào mừng ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành (15-4). Không những thế, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn cao giữa lúc có những phỏng đoán về ý định thử tên lửa đạn đạo tầm trung của Bình Nhưỡng.        
 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (thứ hai từ phải sang) không xuất hiện trước công chúng trong 2 tuần qua.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (thứ hai từ phải sang) không xuất hiện trước công chúng trong 2 tuần qua.

Dù vậy, một quan chức tình báo Hàn Quốc phủ nhận tin đồn đảo chính nhằm vào ông Kim Jong-un bởi họ không phát hiện những động thái bất thường xung quanh nhà lãnh đạo này. Một nguồn tin thân cận với các vấn đề Triều Tiên cho Yonhap hay việc ông Kim Jong-un vắng mặt có thể là một phần của “cuộc chiến tranh tâm lý nhằm thu hút sự chú ý của Hàn Quốc và Mỹ”.

Ông Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ xuất hiện trước công chúng ngày 15-4 tại các hoạt động mừng ngày sinh của ông nội. Các quan chức quân sự Hàn Quốc cũng phỏng đoán Triều Tiên có thể phóng thử tên lửa trong ngày này.        

Trong nỗ lực hạ nhiệt tình hình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Triều Tiên đối thoại khi ông có chuyến công du châu Á nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tái trấn an các đồng minh trước những lời đe dọa của Bình Nhưỡng. Ông Kerry hôm 14-4 đã đến Nhật Bản, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến đi. Trước đó 1 ngày, Ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí làm việc cùng nhau để giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin Reuters cho biết ông Kerry đã hội đàm với người đồng cấp Fumio Kishida ngay khi đến Tokyo và dự kiến gặp Thủ tướng Shinzo Abe trong ngày 15-4. Phát biểu trước thềm cuộc gặp, ông Abe tuyên bố Nhật Bản muốn cùng Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga phát đi thông điệp đến Triều Tiên rằng nước này phải chấm dứt những hành động khiêu khích và không được phóng tên lửa.

Theo giới phân tích, vấn đề hiện nay là liệu Triều Tiên có đáp lại lời kêu gọi đối thoại của Mỹ và giảm bớt giọng điệu hiếu chiến của mình hay không. Chang Yong-seok, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng sẽ khó để Triều Tiên làm thế bởi nước này cần giữ thể diện. Ông nhận định: “Thay vì tìm cách thay đổi tình hình hiện nay, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, có khả năng họ sẽ điều chỉnh chút ít mức độ căng thẳng”.

Nhận định trên không phải là không có cơ sở khi Triều Tiên hôm 14-4 đã bác đề nghị đối thoại mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đưa ra vài ngày trước đó. Hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên nêu rõ: “Nếu Hàn Quốc thật sự muốn đàm phán, họ nên thay đổi thái độ đối đầu thay vì kêu gọi suông”. Theo ủy ban này, việc đối thoại là không thể vào thời điểm Hàn Quốc và Mỹ đang làm gia tăng căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên bằng các cuộc tập trận chung dự kiến kết thúc vào cuối tháng 4. Tuyên bố cũng quy trách nhiệm cho Hàn Quốc về việc khu công nghiệp chung Kaesong bị đóng cửa.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm