Tin tức

Triều Tiên đón Tết có gì khác so với Hàn Quốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau hơn 75 năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành 2 quốc gia, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc được cho là có một số khác biệt trong cách đón Tết  âm lịch.

Nghi thức cúi lạy, thể hiện sự kính trọng của người trẻ dành cho những người lớn tuổi trong gia đình trong ngày Tết ở Hàn Quốc - Ảnh chụp màn hình Korea.net
Nghi thức cúi lạy, thể hiện sự kính trọng của người trẻ dành cho những người lớn tuổi trong gia đình trong ngày Tết ở Hàn Quốc - Ảnh chụp màn hình Korea.net


Tết âm lịch, hay còn được gọi là Seollal, là một trong những kỳ nghỉ truyền thống quan trọng nhất ở Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, Seollal đã bị bỏ quên ở Triều Tiên cho đến năm 1989, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khôi phục lại truyền thống Tết âm lịch, theo tờ The Korea Times. Trước năm 1989, Triều Tiên chỉ đón Tết dương lịch.

Chuyên trang Korea.net đã dựa vào thông tin về Triều Tiên trên website của Bộ Thống nhất Hàn Quốc chỉ ra một số điểm khác biệt trong cách hai nước đón Tết.

Lời chào năm mới

Khi gặp nhau vào ngày Tết, người Hàn Quốc thường nói câu “Saehae bok mani badeuseyo (Chúc gặp nhiều may mắn trong năm mới). Trong khi đó, người Triều Tiên chỉ nói “"Saehaereul chuckhahabnida (Chúc mừng năm mới)".

 

Một bữa ăn gia đình trong ngày Tết ở Hàn Quốc - Ảnh chụp màn hình Korea.net
Một bữa ăn gia đình trong ngày Tết ở Hàn Quốc - Ảnh chụp màn hình Korea.net



Tình trạng giao thông trái ngược

Vào ngày Tết ở Hàn Quốc, nhiều người vật vã mới có được vé tàu hoặc qua được những con đường bị tắc nghẽn do lượng người đổ xô về quê quá lớn. Tình trạng này không diễn ra ở Triều Tiên vì việcvề  quê bằng tàu hỏa hay ô tô ở miền Bắc rất khó. Vì vậy, nhiều người ở Triều Tiên thường trải qua những ngày tết tại nhà.


 

Các thành viên gia đình ở Triều Tiên thường quay quần bên nhau trong ngày Tết - Ảnh chụp màn hình The Korea Times
Các thành viên gia đình ở Triều Tiên thường quay quần bên nhau trong ngày Tết - Ảnh chụp màn hình The Korea Times


Phong tục mới?

Cả người Hàn Quốc và Triều Tiên đều lập bàn charye (thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên) và sebae (nghi thức cúi lạy, thể hiện sự kính trọng của người trẻ đối với người lớn tuổi trong gia đình) và chúc nhau may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, dường như có một phong tục mới xuất hiện ở Triều Tiên. Đó là trước khi thực hiện phong tục sebae, người Triều Tiên thường đặt hoa và thể hiện lòng tôn kính đối với cố Chủ tịch Kim II-sung (Kim Nhật Thành) và cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Món ăn đặc biệt


Ở Hàn Quốc, món nhiều người ăn vào ngày Tết là tteokduk (súp bánh gạo). Trong khi đó, Triều Tiên có nhiều món để ăn vào dịp này, tùy thuộc vào vùng và đặc sản của từng vùng, như tteokguk, manduguk (súp bánh bao), dwaejigukbap (súp gạo và thịt heo), songpyeon (bánh gạo hình mặt trăng)….

 

 Những món ăn tráng miệng trong ngày Tết ở Triều Tiên - Ảnh chụp màn hình The Korea Times
Những món ăn tráng miệng trong ngày Tết ở Triều Tiên - Ảnh chụp màn hình The Korea Times


Quà Tết

Ở Hàn Quốc, có nhiều quà Tết cho các thành viên gia đình và bạn bè như thịt hộp Spam, tiền mặt, thịt, cá, trái cây, nhân sâm, dầu gội đầu, kem đánh răng và bánh hangwa...

Ở Triều Tiên, những quà đắt tiền như đồng hồ và thiết bị điện tử chỉ dành cho quan chức cấp cao. Đối với người dân bình thường, cuốn lịch là món quà phổ biến nhất và được xem là món quà có ý nghĩa ở Triều Tiên vì cuốn lịch được xem thứ thiết yếu hàng ngày, theo trang Koreancultureblog.com.

Tuy tình trạng chia cắt kéo dài hơn 75 năm đã dẫn tới một số phong tục Tết cổ truyền có chút khác biệt như trên, nhưng Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn chia sẻ nhiều phong tục để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới.

Theo VĂN KHOA (TNO)

Có thể bạn quan tâm