Multimedia

Emagazine

E-magazine Trở về con đường sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một ngày cuối năm 2018, khi lũ gà đã bắt đầu lên chuồng, ông Ksor Hai (SN 1963, buôn Plei Lok, xã Ia Ake) lầm lũi xách ba lô cùng 1 người dân trong làng đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh. Trong chiếc ba lô có vài bộ quần áo cùng 20 triệu đồng. Đó là tất cả tài sản mà gia đình ông tích góp bấy lâu nay. Tiền bán lúa, mì, bắp… vốn để dành lo lúc gia đình có việc hệ trọng nhưng trong phút chốc đã bị cuốn theo người đàn ông này với mong muốn đổi đời bên đất Thái Lan như lời của các đối tượng FULRO lưu vong thổi phồng.

Vào đến TP. Hồ Chí Minh, ông Hai được đẩy lên 1 chiếc xe khách khá chật chội, rồi kéo kín rèm cửa, không ai nói với nhau câu nào. Khi bước lên xe, ông đã ngờ ngợ về một điều gì đó chẳng lành nhưng vẫn le lói tia hy vọng rằng, sau những giờ phút ngồi bó gối trên xe trong hành trình xa xôi, vất vả, đón ông sẽ là “thiên đường”. Chiếc xe lao đi vun vút trong nhiều tiếng đồng hồ mà ông không thể định hình được ở những đâu, có chăng chỉ dừng cho người trên xe vệ sinh ở nơi tối đen như mực, vắng vẻ, chỉ toàn cây rừng rậm rạp.

Qua Thái Lan được ít lâu thì ông Hai bị căn bệnh thoái hóa cột sống hành hạ. Nằm liệt trong nhà không thể đi làm và cũng tiêu hết số tiền còn lại mang từ Việt Nam sang khiến ông lâm vào cảnh túng quẫn.

Bế tắc, ông cố gắng tìm cách liên lạc về nhà để… cầu cứu. Khi biết tin cha bị bệnh nặng, người con trai Kpă Quang lại vay mượn tiền bạc vượt biên sang Thái Lan tìm đến nơi ông ở. Tại đây, cha con rau cháo nuôi nhau nhưng cũng chẳng đủ. Bởi vậy, trong nhiều năm trời, dù rất muốn hồi hương nhưng ông Hai không thể thực hiện được ước nguyện.

Với ông Ksor Bhat (SN 1962, buôn Plei Dmun, xã Ia Ake), gần 8 năm ròng tin theo “Tin lành Đê ga” cũng là khoảng thời gian tăm tối nhất của cuộc đời. Năm 2001, dù đang là trưởng thôn, ông Bhat vẫn mê muội tin theo lời kẻ xấu lôi kéo một số đối tượng tham gia biểu tình.

Trong căn nhà nhỏ ở buôn Plei Dmun, ông Ksor Lel (SN 1973) cũng buồn bã kể về những tháng ngày tin theo “Tin lành Đê ga”. Ông không đến cầu nguyện tại các điểm nhóm chính thức mà quay sang “tu tại gia”, tự cầu nguyện ở nhà và tách biệt với dân làng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn càng khiến ông mù quáng tin vào cái viễn cảnh viển vông mà kẻ xấu vẽ ra. Ông Lel thổ lộ: “Thực sự khi ấy rất khó chịu, muốn làm gì cũng gò bó, không thoải mái. Thấy mọi người cùng nhau đi sinh hoạt, cầu nguyện, hát múa… vui lắm mà mình thì lủi thủi, e ngại. Cũng là người làng với nhau, uống chung nguồn nước mà mình trở nên xa lạ quá. Lắm lúc muốn quay lại nhưng ngại ngùng chưa dám ngỏ ý”.

Những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Phú Thiện dù được giữ vững nhưng vẫn có biểu hiện phức tạp, một số người vẫn mê muội tham gia nhóm họp “Tin lành Đê ga” một cách lén lút. Trong đó, xã Ia Ake là địa bàn trọng điểm. Trước tình hình đó, Công an huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy và Công an tỉnh chỉ đạo khảo sát nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng có niềm tin tôn giáo theo hình thức “tu tại gia” để đưa họ trở về sinh hoạt tại các cơ sở tôn giáo được phép.

Đặc biệt, chính những người từng lầm đường lạc lối đã trở thành “hạt nhân” để dìu dắt các đối tượng “tu tại gia” trở về với đức tin chính thống. Ông Bhat sau khi nhận ra bộ mặt thật của “Tin lành Đê ga” đã tự hứa với lòng phải làm điều gì đó để trả ơn những người đã giúp mình không đi vào con đường lầm lỗi. Từ năm 2009, ông đảm nhận vai trò cán bộ Mặt trận thôn. Khi mô hình triển khai, ông là Trưởng điểm nhóm Tin lành Việt Nam (miền Nam) buôn Plei Dmun. “Ngày trước, mình mắc mưu các đối tượng FULRO nên làm những điều không tốt. Bây giờ, mình rất ân hận nên quyết tâm làm lại cuộc đời. Mỗi sáng chủ nhật, hơn 200 người trong buôn lại tập trung về nhà mình để cầu nguyện những điều tốt lành. Mọi người vô tư sinh hoạt tôn giáo mà không bị cấm cản điều gì. Dần dà, những người vốn tách biệt với cộng đồng cũng đã mạnh dạn quay lại”.

Ông Ksor Lel cũng là một trong những người sớm nhận ra sai lầm và trở về trong sự bao dung của chính quyền và dân làng. Được hỗ trợ vay vốn theo diện hộ nghèo để phát triển kinh tế, ông mua bò về nuôi. Từ đó, gia đình ông có thêm sinh kế để ổn định cuộc sống.

Với ông Ksor Hai, từ ngày từ Thái Lan về, ông luôn thấy mình có lỗi với Nhà nước, gia đình và dân làng. Vì không tránh khỏi được những mặc cảm tội lỗi nên ông vẫn e ngại mọi người nhìn mình với con mắt ghẻ lạnh. Khi mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” được triển khai, ông Hai nhận ra vấn đề, hiểu rằng mọi người vẫn luôn rộng vòng tay đón nhận những người đã nhận ra sai lầm và biết thay đổi. “Mình hối hận lắm, mong bà con tha thứ. Nay được trở về cùng đi sinh hoạt với dân làng, mình cảm động lắm. Mình luôn nói với đám trẻ trong làng rằng không ở đâu bằng quê hương mình, cứ siêng năng chăm chỉ thì rồi cuộc sống sẽ tốt lên thôi. Mình cũng nói con trai bên Thái Lan phải cố gắng tiết kiệm, dành dụm tiền để về chứ ở nước người ta khổ sở lắm”-ông Hai bùi ngùi nói.

Có thể bạn quan tâm