Tin tức

Trump-Obama tranh luận nảy lửa ở giai đoạn nước rút bầu cử giữa kỳ Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống Donald Trump và cựu Tổng thống Barack Obama đã vẽ ra 2 tương lai hoàn toàn khác biệt cho nước Mỹ.

Ngày 4/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đã có các cuộc vận động nước rút cho các ứng viên lần lượt của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ 48 tiếng trước khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ diễn ra ngày 6/11 (theo giờ Mỹ).

 

Cựu Tổng thống Obama (trái) và Tổng thống Trump (phải) trong các cuộc vận động bầu cử nước rút. (Ảnh: Reuters)
Cựu Tổng thống Obama (trái) và Tổng thống Trump (phải) trong các cuộc vận động bầu cử nước rút. (Ảnh: Reuters)



2 nhà lãnh đạo đã đưa ra quan điểm hoàn toàn khác biệt về những vấn đề của đất nước song đều đồng ý rằng điều quan trọng nhất là cử tri Mỹ cần tích cực bỏ phiếu trong cuộc bầu cử mang tính quyết định này.

Nước Mỹ đứng trước ngã ba đường

Trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận giờ chót cho thấy hàng chục cuộc đua vào Quốc hội và chiếc ghế thống đốc các bang đang hết sức khốc liệt, Tổng thống và cựu Tổng thống Mỹ cho rằng kết quả cuộc bầu cử này sẽ quyết định Mỹ sẽ trở thành một đất nước như thế nào, ít nhất trong 2 năm tới.

“Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta có tiếp tục xây dựng được sự thịnh vượng phi thường mà chúng ta đã tạo ra hay không” – ông Trump nói với đám đông người ủng hộ ở Macon Georgie, đồng thời cảnh báo rằng đảng Dân chủ của ông Obama sẽ “mang lại một quả bóng hủy diệt đối với nền kinh tế” của nước Mỹ. Ông Trump có mặt ở Georgia ngày 4/11 là để vận động cho Ngoại trưởng bang, ông Brian Kemp, người đang cạnh tranh sát sao chức Thống đốc với đối thủ đảng Dân chủ Stacey Abrams.

Không nhắc tên ông Trump nhưng cựu Tổng thống Obama đã lên án người kế nhiệm và các chính trị gia Cộng hòa khác vì điều mà ông miêu tả là “các chính sách gây chia rẽ và những lời nói dối lặp đi lặp lại”. Ông Obama chỉ ra rằng, Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa hết lần này đến lần khác tìm cách bãi bỏ luật sức khỏe mang dấu ấn cá nhân của ông – Obamacare – nhưng thực tế cùng lúc đó lại tuyên bố ủng hộ việc luật trên bảo vệ những người vốn có vấn đề về sức khỏe.

“Điều duy nhất ngăn cản được hành vi của phe Cộng hòa là lá phiếu của cử tri” – ông Obama nói với đám đông ở Gary, Indiana, khi vận động cho Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đang có nguy cơ thất bại, ông Joe Donnelly. “Danh tiếng của đất nước phụ thuộc vào kết quả bầu cử.”

Trưng cầu ý dân về ông Trump

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ lần này được xem như là một cuộc trưng cầu ý dân về 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Các cuộc thăm dò dư luận và dự đoán bầu cử mới nhất cho rằng, đảng Dân chủ sẽ có đủ 23 ghế họ cần để chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ, cho phép họ ngăn cản chương trình nghị sự của ông Trump và thúc đẩy điều tra chính quyền của ông.

Đảng Cộng hòa được cho là vẫn giữ được đa số mong manh ở Thượng viện, hiện hơn đảng Dân chủ 2 ghế. Điều này cho phép họ tiếp tục nắm quyền quyết định thông qua các vị trí ứng viên Thẩm phán Tòa án Tối cao.

Hùng biện và phản pháo đanh thép

Ở giai đoạn nước rút, ông Trump tiếp tục đẩy cao quan điểm cứng rắn đối với người nhập cư bất hợp pháp và các vấn đề văn hóa, trong đó có cảnh báo rằng, đoàn người di cư về biên giới Mỹ - Mexico là “sự xâm lược”, và rằng phe Dân chủ đang khích lệ sự hỗn loạn ở biên giới để trục lợi chính trị.

Truyền thông Mỹ đã chọn tập trung vào những phát ngôn thổi phồng của ông Trump về vấn đề nhập cư mà quên mất rằng đương kim Tổng thống cũng nhấn mạnh vào những thành tựu về kinh tế và việc làm trong nửa nhiệm kỳ đầu của ông – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa Ronna McDaniel khẳng định trên chương trình “This Week” (Toàn cảnh tuần qua) của kênh ABC.

Bộ Lao động Mỹ ngày 2/11 báo cáo, tăng trưởng việc làm của nước này trong tháng 10 tốt hơn kỳ vọng, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức thấp nhất trong vòng 49 năm qua, 3,7%, trong khi tiền lương đạt mức tốt nhất so với cùng kỳ các năm trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

“Các bạn đã nghe phe Cộng hòa khoe khoang rằng nền kinh tế hiện nay khỏe mạnh ra sao, vậy các bạn nghĩ mọi chuyện bắt đầu từ đâu?” – ông Obama ám chỉ trong cuộc vận động ở Indiana rằng chính quyền kế nhiệm đang thừa hưởng thành quả từ chính quyền của ông.

Một Obama “bất thường”

“Sự hiện diện của ông Obama tại các chiến dịch tranh cử giữa kỳ là ‘bất thường’ đối với một cựu Tổng thống”, Kênh CBS News bình luận. Các cựu Tổng thống đôi khi vẫn xuất hiện tại các sự kiện tranh cử của Đảng song chỉ chưa đầy 2 năm sau khi giao lại Nhà Trắng cho ông Trump, ông Obama đã thể hiện nhiệt huyết và sự hối hả hơn bao giờ hết trong các chiến dịch vận động chống lại chương trình nghị sự của đương kim Tổng thống và các ứng viên đảng Cộng hòa.

Ông Obama đặc biệt quan tâm đến những cuộc đua quan trọng ở Florida, Georgie và bang quê nhà Illinois, nơi ông xuất hiện đến 2 lần trong vòng 3 ngày. Tại đây, cuối tuần qua ông Obama đã dốc hết sức huy động “liên minh” đã 2 lần bầu cho ông, đó là nhóm phụ nữ, người thiểu số và thanh niên, đi bỏ phiếu. Ông Obama và phe Dân chủ vốn cho rằng một bộ phận cử tri chủ quan về chiến thắng của bà Hillary Clinton năm 2016 nên đã không đi bỏ phiếu, dẫn tới thất bại của ứng viên nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Các bang “chiến địa”

Trong cuộc đua vào Thượng viện, đảng Dân chủ đang bảo vệ chiếc ghế đại diện cho 10 bang mà ông Trump đã chiến thắng và giành được phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016, trong đó có những chiến thắng với cách biệt lớn.

“Thực tế là chúng tôi có cơ hội mong manh có thể nắm được đa số tại Thượng viện” – Thượng nghị sỹ Chris Van Hollen, người dẫn đầu chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ vào Thượng viện cho biết. “Có vài cuộc đua rất sát sao và chúng diễn ra ở những bang mà ông Trump đã thắng lớn”.

Tính tới sáng 4/11 (giờ Mỹ), khoảng 34,4 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, tăng 67,8% so với con số 20,5 triệu cử tri đi bầu cử sớm trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014. Số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm đặc biệt cao ở những bang “chiến địa” như Tennessee, Nevada, Arizona và Texas.

Tuy nhiên, giới quan sát lý giải rằng, nguyên nhân có thể là do việc bỏ phiếu sớm ngày càng thuận tiện hơn ở nhiều bang và số cử tri đi bỏ phiếu sớm có xu hướng tăng liên tiếp suốt 25 năm qua.

Những cử tri đi bỏ phiếu sớm chỉ đơn giản là những người đã có quyết định sẵn trong đầu, các nhà phân tích chỉ rõ. Trong khi đó, kết quả cuối cùng phụ thuộc vào số cử tri “dễ dao động”.

Vì thế, rất khó để dự đoán kết quả cuối cùng từ số liệu bầu cử sớm. Nếu có bài học nào rút ra từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 thì đó là kết quả bầu cử sớm và cả những thăm dò dư luận trước thềm, bên thềm bỏ phiếu, đều sai.

 

 Diệu Hương/VOV.VN

Theo Reuters, CBS

Có thể bạn quan tâm