Tin tức

Trung Quốc dừng đưa cát sang Đài Loan, Việt Nam mong muốn các bên không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước diễn biến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra thông cáo về quyết định ngừng bán cát sang Đài Loan.

Trước đó, ngày 1-8, Hải quan Trung Quốc đã mở rộng danh sách đen thương mại, bổ sung 3.000 sản phẩm thực phẩm (chủ yếu là thủy sản, trà và mật ong) và hơn 100 nhà sản xuất thực phẩm từ Đài Loan.

Bà Pelosi đáp máy bay xuống Đài Loan (Trung Quốc) tối 2-8. Ảnh: Reuters
Bà Pelosi đáp máy bay xuống Đài Loan (Trung Quốc) tối 2-8. Ảnh: Reuters

Quan chức nông nghiệp Đài Loan cho hay, tác động của lệnh cấm đối với các nhà sản xuất thuộc 3 danh mục này là hạn chế, vì xuất khẩu mặt hàng này chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết thêm, Bắc Kinh đang cân nhắc cắt giảm các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản khác của Đài Loan (Trung Quốc).

Tối ngày 2-8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng đã triệu tập Đại sứ Mỹ Nicholas Burns để bày tỏ sự phản đối quyết liệt về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến đảo Đài Loan của Trung Quốc.

Trước chuyến thăm “lịch sử” này, một số quốc gia, vùng lãnh thổ và Liên hợp quốc đã có phản ứng về chuyến thăm bất ngờ của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan. 

Người phát ngôn Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khẳng định: “Vào ngày 2-8, bất chấp tuyên bố trang trọng và sự phản đối kiên quyết của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tiến hành chuyến thăm hòn đảo Đài Loan.

Động thái này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và các quy định trong 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tác động nghiêm trọng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ và gửi một tín hiệu sai nghiêm trọng tới lực lượng ly khai đòi “Đài Loan độc lập”. 

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là “hành động khiêu khích rõ ràng” và Trung Quốc có quyền đưa ra các biện pháp để bảo vệ chủ quyền của nước này.

Tương tự, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 3-8 đã chỉ trích “sự can thiệp” của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Nicaragua ra tuyên bố yêu cầu Mỹ “chấm dứt các hành động khiêu khích chưa từng có” nhằm vào Trung Quốc, bác bỏ chính sách can thiệp của Washington, đồng thời yêu cầu tôn trọng chủ quyền, độc lập và ý chí của các dân tộc, nhấn mạnh rằng đây là yêu cầu “chính đáng, đúng đắn và cần thiết”, “công việc nội bộ của một quốc gia là thiêng liêng đối với tất cả”.

Cũng theo Nghị quyết của Liên hợp quốc, được thông qua hồi tháng 10-1971, công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên hợp quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng nêu rõ: "Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "Một Trung Quốc" và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới".

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

Trung Quốc dừng đưa cát sang Đài Loan, Việt Nam mong muốn các bên không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan ảnh 2

Có thể bạn quan tâm