Tin tức

Trung Quốc: Hàng nghìn người mắc bệnh khi bùng dịch do rò rỉ từ nhà máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng nghìn người ở tây bắc Trung Quốc mắc căn bệnh do vi khuẩn gây ra trong đợt bùng phát dịch bệnh do rò rỉ tại một công ty dược phẩm sinh học.

Hàng nghìn người ở tây bắc Trung Quốc mắc căn bệnh do vi khuẩn gây ra. Ảnh: Getty.
Hàng nghìn người ở tây bắc Trung Quốc mắc căn bệnh do vi khuẩn gây ra. Ảnh: Getty.



CNN đưa tin, Ủy ban Y tế Lan Châu, thành phố thủ phủ tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, xác nhận có 3.245 người nhiễm bệnh do Brucella (hay bệnh Brucellosis). Bệnh do Brucella là bệnh lý nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ gia súc mang vi khuẩn Brucella.

Có 1.401 người khác đã được xét nghiệm sơ bộ và cho kết quả dương tính với vi khuẩn. Chưa có báo cáo nào về trường hợp tử vong do đợt bùng phát lây nhiễm vi khuẩn này, Ủy ban Y tế Lan Châu thông tin hôm 15.9.

Giới chức Trung Quốc đã xét nghiệm cho 21.847 người trong tổng số 2,9 triệu dân của thành phố Lan Châu.

Bệnh do Brucella hay còn được gọi là sốt Malta hay sốt Địa Trung Hải, có thể gây ra các triệu chứng đau đầu, đau cơ, sốt và mệt mỏi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong khi những triệu chứng vừa đề cập có thể giảm dần, một số triệu chứng có thể trở thành mãn tính hoặc không bao giờ biến mất, như viêm khớp hoặc sưng tấy ở một số cơ quan.

Lây truyền bệnh do Brucella từ người sang người là cực kỳ hiếm, CDC lưu ý. Thay vào đó, hầu hết mọi người bị nhiễm bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc hít phải vi khuẩn - đây có khả năng là con đường lây nhiễm cho các ca bệnh Brucella ở Lan Châu.

Đợt bùng phát dịch bệnh ở Lan Châu xuất phát từ một vụ rò rỉ tại nhà máy dược phẩm sinh học Trung Mưu Lan Châu (Zhongmu Lanzhou), xảy ra từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8 năm ngoái, theo Ủy ban Y tế thành phố.

Trong quá trình sản xuất vaccine Brucella cho động vật, nhà máy Trung Mưu Lan Châu đã sử dụng chất khử trùng và chất tẩy rửa hết hạn sử dụng. Hệ quả là, không phải tất cả vi khuẩn trong khí thải đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Khí thải ô nhiễm này tạo thành các khí dung chứa vi khuẩn và phát tán trong không khí, theo gió lây lan tới Viện Nghiên cứu Thú y Lan Châu - điểm bùng phát lây nhiễm vi khuẩn đầu tiên hồi tháng 11 năm ngoái sau đó nhanh chóng tăng tốc. Từ những ca nhiễm bệnh đầu tiên ở viện nghiên cứu thú y hồi tháng 11, đến cuối tháng 12, ít nhất 181 người tại viện này đã bị nhiễm bệnh Brucella, theo Tân Hoa xã.

Các bệnh nhân bị nhiễm bệnh khác bao gồm sinh viên và giảng viên của Đại học Lan Châu. Dịch bùng phát thậm chí còn lan đến tỉnh Hắc Long Giang, ở cực đông bắc của Trung Quốc với 13 trường hợp dương tính đã làm việc tại viện thú y hồi tháng 8, Tân Hoa xã đưa tin vào thời điểm đó.

Trong những tháng sau khi dịch bùng phát, các quan chức tỉnh và thành phố đã mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ tại nhà máy, theo Ủy ban Y tế Lan Châu. Đến tháng 1 năm nay, giới chức đã thu hồi giấy phép sản xuất vaccine của nhà máy và rút phê duyệt sản phẩm cho 2 loại vaccine Brucellosis. Tổng số 7 phê duyệt sản phẩm thuốc thú y cũng bị hủy bỏ với nhà máy này.

Trong tháng 2, nhà máy đã xin lỗi công khai, khẳng định đã "trừng phạt nghiêm khắc" 8 người được xác định là chịu trách nhiệm về vụ việc. Nhà máy khẳng định sẽ hợp tác với chính quyền địa phương trong nỗ lực khắc phục, xử lý và đóng góp vào chương trình đền bù cho những người bị ảnh hưởng.

Ủy ban Y tế Lan Châu cũng thông báo trong báo cáo ngày 15.9 rằng 11 bệnh viện công sẽ khám miễn phí và thường xuyên cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Bệnh Brucellosis phổ biến hơn nhiều ở Trung Quốc vào những năm 1980, sau đó giảm dần với sự xuất hiện của vaccine và việc phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, đã có nhiều đợt bùng phát căn bệnh này trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua.

Một đợt bùng phát ở Bosnia đã lây nhiễm cho khoảng 1.000 người trong năm 2008, khiến cừu và các gia súc bị nhiễm bệnh khác phải tiêu hủy.

Tại Mỹ, bệnh Brucellosis đã tiêu tốn của chính phủ liên bang và ngành chăn nuôi hàng tỉ USD. Khoảng 60% bò rừng cái tại Vườn quốc gia Yellowstone mang vi khuẩn này, theo các nhà chức trách vườn quốc gia.

 

https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-hang-nghin-nguoi-mac-benh-khi-bung-dich-do-ro-ri-tu-nha-may-837089.ldo

Theo HẢI ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm