Tin tức

Trung Quốc phản bác cáo buộc doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 30-6 cho biết Bắc Kinh phản đối việc Mỹ đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30-6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) Thúc Giác Đình cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ ngay lập tức sửa chữa "những hành vi sai trái" và ngừng trừng phạt các công ty Trung Quốc. Đây là hành động phá hoại trật tự và quy tác thương mại, đe dọa chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc, người phát ngôn nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết bình luận của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra sau khi Mỹ liệt thêm 5 công ty Trung Quốc vào danh sách "đen" thương mại, với cáo buộc đã có những hành động hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng và quân sự của Nga.


 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước khi bước vào hội đàm vào tháng 2. Ảnh: NY Times
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước khi bước vào hội đàm vào tháng 2. Ảnh: NY Times


Theo thông báo ngày 28-6 của Bộ Thương mại Mỹ - cơ quan giám sát danh sách "đen", các công ty mới bị liệt vào danh sach "đen" bao gồm: Connec Electronic, King Pai Technology, Sinno Electronics, Winninc Electronic và World Jetta (HK) Logistics.

Ba trong số các công ty ở Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga gồm Connec Electronic, World Jetta và Logistics Limited có trụ sở tại Hồng Kông. Hai công ty còn lại là King Pai Technology và Winninc Electronic.

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các công ty này "tiếp tục ký hợp đồng cung cấp cho các thực thể Nga nằm trong danh sách bị trừng phạt".

Việc các công ty này bị liệt vào danh sách đen đồng nghĩa giao dịch của họ với nhà cung cấp tại Mỹ bị cấm. Các thực thể sẽ bị áp đặt các hạn chế về việc mua hàng hoá Mỹ cũng như các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài với sự tham gia của Mỹ hoặc sử dụng công nghệ Mỹ.

Nhà cung cấp tại Mỹ chỉ được phép thực hiện các hoạt động giao dịch khi có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa thêm 31 thực thể khác vào danh sách đen từ các quốc gia bao gồm Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Lithuania, Pakistan, Singapore, Anh và Uzbekistan. Trong đó, có 25 công ty có hoạt động tại Trung Quốc.

Bình luận về vấn đề trên, Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách công nghiệp và an ninh – ông Alan Estevez – cho rằng hành động trừng phạt là cần thiết để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các thực thể và cá nhân trên toàn cầu trong việc hỗ trợ đối với Nga.

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ quyền lợi của các công ty Trung Quốc, cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukaine, Mỹ và đồng minh mạnh tay cấm vận Nga, trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin, loạt các công ty và nhà tài phiệt Nga. Giới chức Mỹ cho biết Washington tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt các quy định.

 

Theo Huệ Bình (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm