Tin tức

Trung Quốc tạo "bom nước"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Việc Trung Quốc kiểm soát các con sông lớn chảy vào Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng kinh tế, làm tê liệt các lợi ích của New Delhi ở khu vực Đông Bắc.



Báo chí Trung Quốc hôm 30-11 đưa tin nước này sẽ xây dựng một dự án thủy điện khổng lồ với công suất lên đến 60 triệu KW trên sông Yarlung Zangbo ở Tây Tạng. Trước đó, trong một hội nghị hôm 26-11, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc Yan Zhiyong cho biết Trung Quốc sẽ khai thác thủy điện ở các vùng thấp hơn của sông Yarlung Zangbo.

Đề xuất xây dựng đập thủy điện trên sông Yarlung Zangbo làm Ấn Độ và Bangladesh lo ngại, bởi đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho họ (con sông mang tên Brahmaputra khi đến Ấn Độ và là Meghna ở Bangladesh). Phía Trung Quốc đã tuyên bố sẽ lưu ý đến lợi ích của hai quốc gia này.

Báo South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) cho biết đồn đoán về việc Trung Quốc xây dựng một siêu đập thủy điện ở huyện Medog, nơi có hẻm núi Yarlung Zangbo, đã có từ năm 2010. Con đập này thậm chí còn lớn hơn Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới tọa lạc ở tỉnh Hồ Bắc hiện nay. Theo báo cáo, dòng chính của sông Yarlung Zangbo có nguồn nước dồi dào nhất khu tự trị Tây Tạng, ước tính tạo ra sản lượng điện khoảng 80 triệu KWh. Trong đó, riêng khúc sông dài 50 km ở hẻm núi Yarlung Zangbo có thể tạo ra 70 triệu KWh, cao hơn sản lượng của 3 nhà máy điện thuộc dự án Tam Hiệp.


 

 Trung Quốc đã hoàn thành công trình thủy điện Zangmu trên sông Yarlung Zangbo hồi năm 2015 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trung Quốc đã hoàn thành công trình thủy điện Zangmu trên sông Yarlung Zangbo hồi năm 2015 Ảnh: TÂN HOA XÃ



Nguồn tài nguyên nước ở Tây Tạng có thể tạo ra khoảng 200 triệu KWh điện, chiếm 30% tổng lượng nước ở Trung Quốc. Gọi đây là "cơ hội chưa từng có trong lịch sử", ông Yan nói dự án mới có thể tạo ra 300 tỉ KWh điện sạch, tái tạo và không carbon hằng năm, tương đương 4% tổng nhu cầu điện của cả Trung Quốc hồi năm ngoái, đồng thời đem về cho khu tự trị Tây Tạng 20 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3 tỉ USD)/năm.

Dù vậy, các nhà phân tích nghi ngờ tính khả thi của dự án bởi chi phí vận chuyển vật liệu và nhân công tới khu vực này. Theo Reuters, các nhóm chống dự án thủy điện cho rằng các con sông của Trung Quốc đã bão hòa sau làn sóng bùng nổ các con đập (bao gồm Tam Hiệp và nhiều nhà máy thủy điện khổng lồ khác trên sông Dương Tử và các phụ lưu của sông này).

Trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ ở khu vực Ladakh vẫn chưa lắng, các nhà phân tích của SCMP lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng các con đập và cơ sở hạ tầng nguồn nước khác như một công cụ chiến lược để mở rộng quyền kiểm soát đối với khu vực. Theo SCMP, ít nhất 11 nhà máy thủy điện đã được Trung Quốc vận hành hoặc lên kế hoạch xây dựng trên sông Yarlung Zangbo trong 10 năm qua. Nay nước này tập trung vào các khúc sông thấp hơn, gần Ấn Độ hơn. Phần giữa của lưu vực Yarlung Zangbo nằm gần đường kiểm soát thực tế (LAC), nơi Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu nhiều thập kỷ. "Phía Ấn Độ lo ngại việc xây dựng đập gần LAC còn ẩn chứa nhiều ý định chiến lược của Trung Quốc" - ông Jagannath Panda, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (Ấn Độ), nói với SCMP.

Theo hãng tin PTI (Ấn Độ), New Delhi nhiều lần thúc giục Bắc Kinh bảo đảm lợi ích của các quốc gia hạ nguồn. Có thông tin rằng khi Trung - Ấn đụng độ ở cao nguyên Doklam vào năm 2017, Trung Quốc không cung cấp dữ liệu thủy văn của 2 con sông Brahmaputra và Sutlej cho Ấn Độ như thỏa thuận, dẫn đến lũ lụt tại các bang Assam và Uttar Pradesh.

 


Sử dụng chiến thuật như ở biển Đông

Báo The New York Times (Mỹ) gần đây đưa tin Trung Quốc vừa xây dựng xong một ngôi làng mới trên vùng núi nơi khu tự trị Tây Tạng của nước này tiếp giáp Vương quốc Bhutan.

Vấn đề là ngôi làng tên Pangda kể trên nằm ở khu vực mà Bhutan xem là lãnh thổ của họ. Trung Quốc không hề che giấu việc xây dựng bởi hoạt động của họ được chụp lại trong loạt ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies (Mỹ) công bố. Lễ khánh thành làng hôm 18-10 được nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong đó có một tờ cho biết nhiều quan chức cấp cao của TP Thượng Hải đã đến dự, bao gồm Phó Bí thư Thành ủy Yu Shaoliang. Tại Trung Quốc, các tỉnh, thành giàu hơn thường tài trợ các khu vực nghèo phát triển hạ tầng, đặc biệt là ở Tây Tạng và Tân Cương.

Bất chấp các tuyên bố chủ quyền của láng giềng, đơn phương hành động nhằm thay đổi hiện trạng để củng cố yêu sách của mình là sách lược Trung Quốc sử dụng nhiều năm nay, bao gồm trên biển Đông. Theo The New York Times, Ấn Độ cũng cáo buộc quân đội Trung Quốc lấn sang lãnh thổ nước mình trên dãy Himalaya, dẫn đến cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua hồi tháng 6 năm nay. Kể từ đó, binh lính Trung Quốc không chịu rời các khu vực mà phía Ấn Độ từng kiểm soát.

Ngôi làng Pangda nằm gần cao nguyên Doklam - nơi hội tụ của biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Tại Doklam, vào năm 2017 đã xảy ra vụ đối đầu 73 ngày khi Trung Quốc xây dựng một con đường lấn vào lãnh thổ Bhutan và Ấn Độ đưa quân đến ngăn cản thông qua một hiệp ước an ninh lâu năm ký với Bhutan.

Ông Tenzing Lamsang, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Bhutan, cho biết nước này chưa bao giờ nhượng bộ trong 24 vòng đàm phán về biên giới với Trung Quốc từ trước đến nay. Vòng thứ 25 trong năm nay bị hoãn vì đại dịch Covid-19. Vào mùa hè vừa qua, Trung Quốc thậm chí đưa ra tuyên bố chủ quyền mới với gần 145.000 km2 trong khu bảo tồn hoang dã Sakteng của Bhutan.

Hải Ngọc


Theo XUÂN MAI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm