Chiến tranh thương mại ngày càng cho thấy tác động tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc, vài mục tiêu đầy tham vọng coi như phá sản.
Trung Quốc có thể không đạt được cam kết tăng gấp đôi GDP trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020) sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Qúy II của quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992. Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là do chiến tranh thương mại, đã gây thiệt hại cho nền xuất khẩu.
Kết thúc Qúy II, Tổng sản phẩm quốc nội thực tế đã tăng 6,2%. Tuy nhiên con số này giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng của Qúy I. Đây là tốc độ sụt giảm nhanh nhất kể từ năm 1990 đến nay.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đầu tư tư nhân vào tài sản cố định ở Trung Quốc, chiếm tới 60% tổng đầu tư của nước này, tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã dự định thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, thông báo cắt giảm thuế với quy mô lớn có giá trị lên tới gần 2.000 tỷ Nhân dân tệ (291 tỷ USD) và hạn ngạch 2.150 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt do chính quyền các địa phương phát hành nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
Để có thể hiện thực hóa mục tiêu mở rộng kinh tế, GDP của Trung Quốc sẽ phải tăng trung bình ít nhất 6,2% trong năm nay và duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy trong năm 2020. Mới đây, Trung Quốc công bố số liệu mới về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đã có những lo ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo đó, những số liệu này cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang cố gắng chạy theo kế hoạch của Chính phủ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với một thách thức to lớn trong việc điều hướng nền kinh tế đất nước
Những số liệu công bố trên của Trung Quốc, ngay lập tức đã trở thành cảm hứng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, Tổng thống Trump trong một dòng tweets đầu tuần đã ngay lập tức cho rằng nền kinh tế tăng trưởng ì ạch của Trung Quốc là sự thể hiện thành công cho chiến dịch chiến tranh thương mại của ông.
Trump viết: "Các mức thuế quan của Mỹ đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Đang có làn sóng mạnh mẽ các công ty rời khỏi Trung Quốc nhằm tránh chịu ảnh hưởng bởi các mức thuế của Mỹ. Hàng ngàn công ty đang rời đi. Đây là lý do tại sao Trung Quốc muốn thực hiện một thỏa thuận thương mại với Mỹ càng sớm càng tốt".
Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi GDP là tại Đại hội toàn quốc của đảng năm 2012. Đây là thời điểm ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Bí thư, một năm sau ông nắm giữ thêm chức vụ Chủ tịch Trung Quốc.
Năm 2019, mục tiêu chính thức của chính phủ ông Tập Cận Bình là tăng GDP từ 6% đến 6,5% . Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm duy trì ở mức 6,3% - vẫn cao hơn ngưỡng 6,2%, nhưng các nhà kinh tế không lạc quan. "Chúng ta không nên giảm áp lực xuống nền kinh tế trong nửa cuối năm", Ting Lu, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc tại Nomura International nhận định.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Đầu tư vào bất động sản đã tăng 11% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, diện tích sàn bán ra lại giảm 2%. Quy mô của các dự án, theo đó cũng thu hẹp lại. Các nhà chức trách đang thắt chặt tài chính cho bất động sản trong bối cảnh lo ngại rằng bong bóng nhà đất sẽ vỡ.
Hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà hoạch định chính sách đang có kế hoạch xác định các tác động của khoản giảm thuế trị giá đương 290 tỷ USD đã được Bắc Kinh phê duyệt vào tháng 3 vừa qua. Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia: "Họ không có khả năng đưa ra một gói kích thích kinh tế quy mô lớn khác" - một quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc nói.
Xuất khẩu yếu có sự phân nhánh cho sản xuất và đầu tư. Sản xuất công nghiệp từ tháng 1 đến tháng 6 tăng 6%, giảm 0,5 điểm so với thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3. Xuất khẩu của các công ty nước ngoài từ Trung Quốc tăng 1%, và sản lượng điện - một chỉ số về sức mạnh sản xuất, tăng ở mức vừa phải là 3%.
Cả ô tô và điện thoại di động đều chứng kiến sự sụt giảm trong sản xuất khi bị áp thuế bổ sung của Mỹ, các mặt hàng này đã giảm 10%. "Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tiếp tục mờ nhạt, khi tăng trưởng tại lĩnh vực này chỉ ở mức 3%. Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn được xem là nền tảng của nền kinh tế đang chậm lại. Điều này có nghĩa là kết quả của các chính sách của chính phủ, chẳng hạn như cắt giảm thuế đã không được như mong đợi", ông Yusuke Miura, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Mizuho nhận định.
Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được đồng thuận nối lại đàm phán thương mại tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản sau một loạt động thái trước đó khiến căng thẳng dâng cao. Theo thông tin từ Reuters, ông Trump sẽ không dỡ bỏ mức thuế nhập khẩu hiện tại nhưng sẽ không gia tăng thuế đối với 300 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố cũng cho biết Mỹ sẽ không gia tăng thuế mới đối với xuất khẩu của nước này. Bên cạnh đó, các nhà đàm phán của hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ nhượng bộ nhằm sớm đạt được thỏa thuận.
Trong khi ông Trump gần đây tuyên bố không vội đạt thỏa thuận và một thỏa thuận nếu có phải có lợi hơn cho Mỹ, Trung Quốc lại liên tục cảnh báo sẽ "chiến đấu đến cùng".
An Chi (Diễn đàn doanh nghiệp)