Tàu nghiên cứu Tan Kah Kee thuộc Đại học Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) mới đây bắt đầu tiến hành chuyến thám hiểm khoa học kéo dài 35 ngày ở Biển Đông, theo Tân Hoa xã.
Tàu nghiên cứu Tan Kah Kee thuộc Đại học Hạ Môn. Ảnh: Chụp màn hình http Ocean.china.com.cn
qKhởi hành từ thành phố Hạ Môn hôm 15.4, tàu Tan Kah Kee chở theo 23 nhà nghiên cứu từ Đại học Hạ Môn và Viện Khoa học Trung Quốc, sẽ tiến hành các cuộc khảo sát, lấy mẫu, triển khai và trục vớt các thiết bị quan sát lâu dài ở Biển Đông, theo Tân Hoa xã.
Tàu khảo sát nói trên được đặt tên theo doanh nhân Singapore gốc Trung Quốc Tan Kah Kee (1874-1961), người thành lập Đại học Hạ Môn năm 1921. Tàu có chiều dài 77,7 m và chiều rộng 16,2 m, với vận tốc tối đa gần 26 km/giờ.
Cách đây hơn một tháng, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGNT) đưa tin tàu Thám tác số 1 chở theo 60 nhà khoa học nước này cùng tàu lặn có người lái mang tên Dũng sĩ biển sâu, có khả năng lặn ở độ sâu 4.500 m, tiến hành chuyến thám hiểm 20 ngày ở Biển Đông.
Tàu Thám tác số 1 của Trung Quốc. Ảnh: THX
Tàu lặn Dũng sĩ biển sâu đã có nhiều chuyến thám hiểm ở Biển Đông trong vài năm gần đây, trong đó có lần ngang nhiên hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, cảnh báo Bắc Kinh có thể dùng nghiên cứu khoa học biển (MSR) để củng cố “các quyền quá đáng” của Trung Quốc và “cố đẩy mạnh quyền lực biển”, theo tờ The Philippine Star.
Ông Batongbacal còn cảnh báo Bắc Kinh có thể tiến hành hoạt động nghiên cứu nước sâu trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của các nước khác ở Biển Đông. “Tình trạng Trung Quốc đơn phương tiến hành MSR trong vùng biển thuộc quyền tài phán của những nước ven Biển Đông khác sẽ không thay đổi”, chuyên gia Batongbacal khẳng định.
Văn Khoa (Thanh Niên)