Đảo quốc nhỏ Palau ở Thái Bình Dương đang bị mắc kẹt giữa cuộc chiến ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc cấm du khách nước này tới Palau, một trong 18 đồng minh còn lại của Đài Loan trên toàn thế giới. Động thái này khiến quốc đảo phụ thuộc du lịch chịu tác động không nhỏ khi các phòng khách sạn trống rỗng, thuyền du lịch "đắp chiếu" và nhiều công ty du lịch đóng cửa. Hãng hàng không Palau Pacific Airways vào tháng 7 thông báo chấm dứt các chuyến bay đến Trung Quốc.
Trước lệnh cấm trên, công dân Trung Quốc chiếm khoảng một nửa du khách đến Palau. Trong số 122.000 du khách đến đây năm 2017, có 55.000 người đến từ Trung Quốc và 9.000 người đến từ Đài Loan. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng nhân cơ hội xây khách sạn, mở rộng kinh doanh và kiểm soát các khu bất động sản ven biển lớn.
Du khách lặn tại địa điểm du lịch nổi tiếng Rock Islands Arch ở Palau Ảnh: ISTOCK |
Khi được Reuters hỏi lệnh cấm nói trên có phải là cách để Trung Quốc gây áp lực buộc Palau cắt đứt quan hệ với Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ tuyên bố: "Nguyên tắc "Một Trung Quốc" là nền tảng chính trị và tiền đề để Trung Quốc duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác thân thiện với tất cả quốc gia trên thế giới". Nguyên tắc này nói rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Trong khi đó, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết Trung Quốc đã lôi kéo 4 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc trong 2 năm qua bằng cách cung cấp các gói hỗ trợ và đầu tư hào phóng. Cơ quan này khẳng định Đài Loan vẫn sẽ làm việc với các quốc gia thân thiện để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. cho biết không có thông tin chính thức về việc hạn chế du lịch từ Bắc Kinh. Theo ông Remengesau, Palau hoan nghênh đầu tư và du lịch Trung Quốc nhưng cho rằng các nguyên tắc, tư tưởng dân chủ của chính quyền Palau hiện tại gắn kết chặt chẽ với Đài Loan hơn. Đối mặt tình trạng khách Trung Quốc sụt giảm, ông Remengesau cho biết Palau tập trung vào nhóm du khách chi mạnh tay hơn là số lượng du khách.
Các cựu quan chức Palau cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách củng cố ảnh hưởng tại Thái Bình Dương trước khi các hiệp ước hỗ trợ giữa Mỹ, Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Palau lần lượt hết hạn trong 2 năm 2023 và 2024. Mỹ hiện tài trợ khoảng 200 triệu USD/năm cho 3 quốc gia này cũng như chịu trách nhiệm bảo vệ họ.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ đồng ý hỗ trợ 124 triệu USD cho Palau đến năm 2024 nhưng chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào nhằm gia hạn các hiệp ước trên. Các cựu quan chức Liên bang Micronesia tiết lộ Bắc Kinh đang muốn mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường tới Palau và có thể cung cấp một nguồn đầu tư quan trọng cho quốc đảo này sau khi hiệp ước với Mỹ chấm dứt.
Phạm Nghĩa (NLĐO)