Tin tức

Trung Quốc xây đường sắt 'đi đến mông lung' ở Kenya

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đẩy nhiều quốc gia châu Phi vào hố sâu nợ nần và hàng loạt dự án đã bị đình trệ, trở nên vô dụng.
Theo Bloomberg, dự án đường sắt kéo dài từ bờ biển Kenya đến Uganda do Trung Quốc xây dựng đang bị gián đoạn và có nguy cơ chết yểu. Đoạn đường sắt đã xây không chạm được đến biên giới Kenya - Uganda mà dừng lại chơ vơ tại ngôi làng hẻo lánh cách thủ đô Nairobi 120 km về phía tây.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc nhiều lần mô tả dự án Đường sắt Mombasai - Nairobi là “bộ mặt” của sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, mới đây chính quyền Bắc Kinh quyết định ngừng tài trợ 4,9 tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Phi.
Nguồn tiền bị cắt đột ngột khiến chính quyền cả Kenya và Uganda “té ngửa”. Hai nước có thể sẽ phải tu sửa một tuyến đường sắt cũ kỹ thời thuộc địa để “vá” mạng lưới đường sắt dang dở và thúc đẩy thương mại khu vực.
 
Điểm kết thúc của tuyến đường sắt. Ảnh: Bloomberg. 
Cái bẫy khiến các nước châu Phi chìm trong nợ
Hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ siết chặt giám sát các dự án Vành đai và Con đường. Và ảnh hưởng dây chuyền đã bắt đầu. Một dự án đường sắt tại Kazakhstan tê liệt sau khi ngân hàng địa phương chuyên quản lý các quỹ tài trợ của Trung Quốc sụp đổ.
Một dự án năng lượng mặt trời khổng lồ ở Zimbabwe rơi vào cảnh thiếu vốn sau khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc ngừng rót tiền cho chính phủ Zimbabwe. Nguyên nhân là nước này đang nợ đầm đìa. Và tuyến đường sắt ở Kenya trở thành “nạn nhân” kế tiếp.
“Trung Quốc đang trở nên thận trọng ở châu Phi”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia tư vấn Piers Dawson thuộc hãng Africa Matters (London, Anh) nhận định.
Trung Quốc hiện là quốc gia tài trợ lớn nhất cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Theo thống kê của Deloitte, cứ 5 dự án thì có một được Bắc Kinh rót tiền, và cứ 3 có một do công ty Trung Quốc xây dựng
 
Tuyến đường sắt ở Kenya có thể chịu chung số phận như một số dự án Vành đai Con đường khác ở châu Phi. Ảnh: Bloomberg. 
Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính lục địa đen cần 130-170 tỷ USD mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó chính phủ các nước châu Phi sẵn sàng nhận các khoản vay khổng lồ từ Trung Quốc để trang trải kinh phí.
Báo cáo tháng 3/2018 của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) cho thấy Kenya, Ai Cập và Ethiopia là ba quốc gia châu Phi có nguy cơ chết chìm trong nợ vì tham gia sáng kiến Vành đai Con đường.
“Nhiều người cáo buộc Trung Quốc bẫy nhiều quốc gia đối tác Vành đai và Con đường, khiến những nước này chìm sâu trong hố nợ. Do đó, Bắc Kinh bắt đầu kìm hãm kế hoạch mở rộng sáng kiến hoặc tập trung vào các dự án khả thi”, nhà kinh tế Jacques Nel thuộc tổ chức NKC African Economics nhận định.
Vay tiền nước khác, chi phí xây dựng giảm một nửa
Nửa đầu của tuyến đường sắt Kenya - Uganda dài 470 km, nối liền thành phố cảng Mombasa và Nairobi, đã đi vào hoạt động nhưng thua lỗ. Bắc Kinh chùn tay, không muốn mở rộng dự án sang Uganda vì lo ngại dự án này sẽ vỡ nợ.
Trước tình cảnh đó, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã bật đèn xanh để chính phủ kết hợp tuyến đường sắt mới và tuyến đường sắt cũ 90 năm tuổi. Uganda cũng quyết định tu sửa tuyến đường sắt tồn tại từ thời kỳ thuộc địa.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là núi nợ đè lên đầu hai nước càng lớn thêm. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Kenya. Nợ Trung Quốc chiếm 22% tổng nợ nước ngoài của quốc gia châu Phi này.
 
Tổng thống Uhuru Kenyatta buộc phải đi huy động vốn để kết hợp tuyến đường sắt mới và tuyến đường sắt cũ 90 năm tuổi. Ảnh: Bloomberg. 
Sau khi bị Trung Quốc bỏ rơi, Tổng thống Uhuru Kenyattađang mời gọi các nhà đầu tư tư nhân đổ tiền cho dự án đường sắt. Trong khi đó, Uganda cần đến 205 triệu USD để khôi phục tuyến đường sắt cũ, nhưng chưa biết kiếm đâu ra khoản tiền này.
Ngay từ năm 2013, khi dự án 3,6 tỷ USD được công bố, Kenya cho biết doanh thu từ dịch vụ đường sắt sẽ được dùng để trả nợ cho Trung Quốc. Nhiều chuyên gia quốc tế đã bày tỏ lo ngại chi phí đầu tư là quá lớn và dự án còn lâu mới có lãi.
Năm 2016, Tanzania hủy hợp đồng vay Trung Quốc 7,6 tỷ USD để xây tuyến đường sắt dài 2.200 km. Thay vào đó, nước này tiếp cận các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha để xây tuyến ngắn hơn với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Minh Đức (Zing.vn/Theo Bloomberg)

Có thể bạn quan tâm