Tin tức

Từ 5/2, Nga có thể bị thiệt hại về sản phẩm dầu 300 triệu USD mỗi ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

( GLO)- Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây khiến Nga, từng là nhà cung cấp lớn nhất của Châu Âu, chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các thị trường Châu Á, trong đó Trung Quốc trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga. Tuy nhiên, thiệt hại trước lệnh cấm vận đối với Nga là khá nặng nề.

 

Cơ sở mỏ dầu và khí ngưng tụ của Gazprom Nga. Ảnh: AFP

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ở Phần Lan cho rằng, khi các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào sản phẩm dầu Nga có hiệu lực vào ngày 5/2, Nga có thể thiệt hại tới 300 triệu USD mỗi ngày.

Theo trang oilprice.com, báo cáo được công bố ngày 11/1 cho rằng lệnh cấm hiện tại của EU đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga kết hợp với mức trần giá dầu đang làm ngân sách Nga hao hụt khoảng 172 triệu USD mỗi ngày.

CREA cho biết thu nhập từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm 17% trong tháng 12/2022, đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi nước này đưa quân vào miền Đông Ukraine.

Báo cáo có đoạn: “Giảm khối lượng giao hàng và giá dầu của Nga đã làm giảm doanh thu xuất khẩu của nước này 180 triệu euro mỗi ngày. Nga đã xoay sở để thu về 20 triệu euro mỗi ngày khi tăng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu sang EU và các nơi khác. Như vậy, khoản lỗ ròng hàng ngày là 160 triệu euro”.

Ngoài ra, báo cáo lưu ý rằng điều này không chỉ khiến xuất khẩu dầu thô của Nga giảm 12% mà còn làm giảm 23% giá bán, dẫn đến tổng doanh thu từ dầu thô giảm 32% trong tháng 12/2022.

Tuy nhiên, CREA tuyên bố Nga vẫn kiếm được khoảng 640 triệu euro mỗi ngày từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm từ mức cao là 1 tỷ euro hồi tháng 3 đến tháng 5/2022. EU cấm nhập khẩu dầu tinh chế Nga, mở rộng trần giá đối với dầu tinh chế và giảm nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn đến Ba Lan sẽ cắt giảm khoản này khoảng 120 triệu euro mỗi ngày trước ngày 5/2.

Lệnh cấm của EU về mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 mở rộng để cấm cả các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác bắt đầu từ ngày 5/2. Ngoài ra, theo các biện pháp trần giá của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dầu Nga chỉ được bán ở giá 60 USD/thùng.

Tính tới cuối năm 2022, các lãnh đạo EU đã áp dụng gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga. Hãng tin Reuters cho biết châu Âu sẽ đưa thêm gần 200 cá nhân Nga vào danh sách đen, cấm đầu tư vào ngành khai thác mỏ của Nga và các ngành khác, cấm thêm nhiều kênh truyền hình của nước này.

Cùng lúc, Mỹ cũng công bố gói biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính của Nga và doanh nhân Vladimir Potanin - một trong những người giàu nhất nước Nga, cùng với người thân và công ty đầu tư của ông này. 

Bộ Tài chính Mỹ cho biết biện pháp trừng phạt là đóng băng tài sản tại Mỹ của bất cứ người nào làm ăn với những công ty trong danh sách trừng phạt và cấm người Mỹ làm ăn với những công ty, nhằm hạn chế năng lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

TS ( từ TTXVN, TTO, Lao động điện tử )

Có thể bạn quan tâm