Tin tức

Tương lai bất an đang chờ đợi ông Biden

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt pháp lý, song ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nhiều khả năng sẽ bước vào Nhà Trắng ngày 20-1-2021. Ông Biden tuyên bố đã sẵn sàng để đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, như những gì ông cam kết khi tranh cử. Nếu đắc cử, ông Biden sẽ đối mặt với một nền kinh tế đang suy thoái, làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh và cả một môi trường quốc tế đầy khắc nghiệt, những thách thức rất lớn đối với ngay cả một nhà lãnh đạo kỳ cựu nhất.

 Nỗ lực thuyết phục các cử tri Cộng hòa vốn cho rằng phe Dân chủ đã “đánh cắp” cuộc bầu cử của họ sẽ còn rất khó khăn.   Ảnh: AP
Nỗ lực thuyết phục các cử tri Cộng hòa vốn cho rằng phe Dân chủ đã “đánh cắp” cuộc bầu cử của họ sẽ còn rất khó khăn. Ảnh: AP


Thâm hụt ngân sách kỷ lục

Nếu đắc cử, khi bước vào nhiệm sở, ông Biden sẽ đối mặt với một nền kinh tế đang suy thoái. Trong tháng 10 vừa qua, Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục 284,1 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức thâm hụt trong cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh nguồn thu giảm sút trong khi chi tiêu để giải quyết những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra lại tăng vọt.

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12-11 cho thấy con số trên cũng vượt mức thâm hụt ghi nhận được hồi tháng 10-2009, ở mức 176 tỷ USD, khi chính phủ phải mạnh tay chi tiêu để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự tăng vọt chi tiêu được ghi nhận trong các cơ quan chính phủ khác nhau trong nỗ lực giảm nhẹ hậu quả của tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Ngược lại, nguồn thu giảm khoảng 3,2% xuống 237,7 tỷ USD khi hàng triệu người Mỹ mất việc do đại dịch. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan.

Xét toàn bộ tài khóa 2020 (kết thúc ngày 30- 9 vừa qua), thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 3.100 tỷ USD, vượt mốc thâm hụt kỷ lục 1.400 tỷ USD được xác lập hồi năm 2009. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo mức thâm hụt trong tài khóa 2021 hiện nay sẽ vẫn trên 1.000 tỷ USD, cụ thể ở mức khoảng 1.800 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt lớn thứ hai song có sự cải thiện hơn mức thâm hụt 3.100 tỷ USD trong tài khóa 2020. Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới khi đảng Dân chủ mong muốn số tiền cứu trợ lớn hơn mức đảng Cộng hòa sẵn sàng chi. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19, đã hết hạn và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Thù địch

Ông Biden sẽ chịu sức ép không nhỏ từ một chính phủ đầy chia rẽ, một hệ thống tư pháp thù địch, một bộ máy hành chính liên bang lỏng lẻo và chủ nghĩa dân túy mang đậm màu sắc Donald Trump trong xã hội.

Trong quá khứ, các tân tổng thống đắc cử có thể trông đợi vào sự hợp tác từ chính đảng đối lập nhằm thông qua các dự luật, song ông Biden khó có thể kỳ vọng vào điều tương tự. Nếu đảng Cộng hòa duy trì thế đa số tại Thượng viện, họ có thể và sẽ tìm cách hủy hoại chính quyền của ông Biden, tạo tiền đề cho làn sóng đối đầu phe Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.

Thêm vào đó, nhiều quan chức mà ông Biden bổ nhiệm sắp tới sẽ đối mặt với sự thù địch của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Dù không bác bỏ việc bổ nhiệm ngoại trưởng hay bộ trưởng tư pháp, Thượng viện chắc chắn sẽ bảo đảm rằng nhánh hành pháp của phe Dân chủ không thể vận hành như một cỗ máy hoàn chỉnh do thiếu vắng nhiều vị trí quan chức.

Ngay cả nếu đảng Dân chủ giành được thế đa số tại Thượng viện, ông Biden cũng không tránh khỏi những trở ngại. Với việc bổ nhiệm Amy Coney Barrett chỉ một tuần trước cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa đã bảo đảm thế đa số 6-3 tại Tòa án Tối cao, cơ quan tư pháp vốn đã có xu hướng thiên hữu từ năm 1930. Như vậy, Tòa án Tối cao sẽ tiếp tục xói mòn nền tảng pháp lý của các cơ quan lập quy và thúc đẩy các giá trị bảo thủ xã hội, điều đã diễn ra suốt 2 thập kỷ qua. Dù có thể thúc đẩy thành công những dự luật tiến bộ tại Quốc hội song ông Biden sẽ đối mặt với nguy cơ bị Tòa án phủ quyết. Trên thực tế, Tòa án Tối cao có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho Đạo luật Chăm sóc Y tế hợp túi tiền, một thành quả nổi bật của cựu Tổng thống Barack Obama. Tương tự như vậy, tham vọng dùng quyền hành pháp để cải cách vấn đề di cư và giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu cũng sẽ đối mặt với trở ngại tại tòa án.

Đặc biệt, nếu ông Trump thành công trong việc thuyết phục đủ số cử tri tin rằng kết quả cuộc bầu cử là bất hợp pháp, ông Biden sẽ gặp thêm nhiều thách thức trong việc bảo đảm sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa không mấy nhiệt thành cũng như những đại diện mà họ bổ nhiệm.

Với tất cả những lý do ấy, có thể nói rằng ông Biden sẽ khó được tận hưởng “kỳ trăng mật” truyền thống như những tổng thống mới đắc cử.


Ông Biden giành chiến thắng ở bang Arizona

Sáng 13-11 (theo giờ Việt Nam), các hãng truyền thông Mỹ dự báo ông Biden đã giành chiến thắng tại bang Arizona cùng với 11 phiếu đại cử tri tại đây.

Ông Biden giành được tổng số 1.668.684 phiếu bầu (chiếm 49,4%), trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump được 1.657.250 phiếu (49,1%), kém 11.434 phiếu so với đối thủ. Trong suốt 7 thập kỷ qua, đây chỉ là lần thứ 2 một ứng cử viên của đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Arizona trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, tòa án bang Pennsylvania đã đưa ra một phán quyết có lợi cho Tổng thống Trump, với việc không công nhận phiếu bầu của những người không đưa ra được giấy tờ tùy thân cần thiết trước ngày 9-11. Điều này sẽ khiến một số lượng phiếu bầu của bang Pennsylvania bị loại bỏ. Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, kết quả này không có nhiều ý nghĩa khi số lượng phiếu bầu không công nhận không đủ để cho Tổng thống Trump có thể đảo ngược tình thế.


Theo AN BÌNH (cadn)
 

Có thể bạn quan tâm