Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN chính thức được công bố ngày 30-4 không đề cập hành động xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo tuyên bố chung được đưa ra 12 giờ sau khi hội nghị kết thúc tại thủ đô Manila - Philippines, các lãnh đạo Đông Nam Á đã bày tỏ lập trường mềm mỏng hơn về vấn đề tranh chấp biển Đông.
Tuyên bố dài 25 trang được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, đương kim Chủ tịch ASEAN, công bố cũng không đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague - Hà Lan về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Tuyên bố chung chỉ kêu gọi thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy hoàn tất khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) trước tháng 6-2017, tạo điều kiện để COC ra đời.
Theo AP, tuyên bố chung chính thức được đưa ra rõ ràng đã thay đổi so với bản dự thảo trước đó mà hãng thông tấn của Mỹ này có trong tay. Theo đó, bản dự thảo có đề cập mối lo ngại về hành động xây đảo nhân tạo phi pháp cũng như quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông nhưng không nhắc tên quốc gia cụ thể. Đây vốn là nội dung được nêu trong các tuyên bố trước đây của ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 kết thúc hôm 29-4 nhưng 1 ngày sau, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới công bố tuyên bố chung. Ảnh: REUTERS |
Một nhà ngoại giao ở thủ đô Manila nói với AP rằng Philippines trước đó đã gửi bản dự thảo tuyên bố mạnh mẽ hơn đến các thành viên ASEAN và nhận được sự ủng hộ của một số thành viên. Theo hãng tin Reuters, hai nhà ngoại giao ASEAN hôm 29-4 nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và giới chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã nỗ lực gây áp lực lên chính quyền Philippines để không đề cập những hành động gây bất bình của Bắc Kinh ở biển Đông trong chương trình nghị sự chính thức của ASEAN.
Theo AP, 3 quan chức Philippines thậm chí còn nói thẳng rằng bản tuyên bố chung được đưa ra theo yêu cầu của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Manila. Nó tiếp tục phản ánh lập trường mềm mỏng hơn với Trung Quốc và các tranh chấp ở biển Đông của Tổng thống Duterte kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 6-2016.
Các cựu quan chức Philippines phụ trách vụ kiện biển Đông giữa nước này và Trung Quốc cho rằng hành động nhượng bộ của ông Duterte đối với Bắc Kinh có thể làm suy yếu khả năng của Philippines và các nước thành viên ASEAN khác trong việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời ngăn những hành vi hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez nhìn nhận: “Việc không đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague sẽ là chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc”. Lo ngại Trung Quốc có thể biến bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh giành quyền kiểm soát từ Manila thành một tiền đồn mới, ông Golez nói: “Điều đó có thể khuyến khích Trung Quốc tiếp tục thực hiện những bước đi mới trong kế hoạch ở biển Đông”.
Theo nld