Tin tức

Ukraina cam kết sẽ tiến vào Crimea

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraina tuyên bố sẽ lật ngược cục diện trong cuộc xung đột với Nga và tiến vào Crimea cuối năm nay.

 Ukraine tuyên bố sẽ xoay chuyển cục diện với Nga. Ảnh: AFP
Ukraine tuyên bố sẽ xoay chuyển cục diện với Nga. Ảnh: AFP


Xoay chuyển tình thế

Tình hình trên chiến trường sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Kiev kể từ tháng 8 khi vũ khí do phương Tây cung cấp đến tay các đơn vị Ukraina - ông Kirill Budanov, giám đốc cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraina, nói với tờ báo Ukrainskaya Pravda hôm 24.5.

Theo ông Budanov, vũ khí của phương Tây sẽ tạo ra sự thay đổi vì hiện nay lực lượng Ukraina đang rất thiếu vũ khí hạng nặng.

"Nga có 12 tháng nguồn lực để tiến hành một cuộc chiến toàn diện và sau đó xung đột giữa Kiev và Mátxcơva sẽ kết thúc với việc trả lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của chúng tôi" - giám đốc tình báo Ukraina tuyên bố.

Khi được hỏi liệu “những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” đó có bao gồm Crimea, nơi đã bỏ phiếu áp đảo để tách khỏi Ukraina và tham gia cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga năm 2014 hay không, ông Budanov trả lời: “Vào cuối năm nay, ít nhất chúng ta phải tiến vào lãnh thổ Crimea”.

Theo RT, cùng ngày 24.5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã chia sẻ những dự đoán hoàn toàn khác  về những gì sẽ xảy ra trên thực địa Ukraina. Ông Shoigu nói: “Bất chấp sự hỗ trợ quân sự quy mô lớn từ phương Tây cho chính quyền Kiev và áp lực trừng phạt Nga, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi hoàn thành tất cả các mục tiêu.

 

Ukraina kêu gọi phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hơn. Ảnh: AFP
Ukraina kêu gọi phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hơn. Ảnh: AFP


Cựu Ngoại trưởng Kissinger cảnh báo về hạn chót đàm phán hòa bình

Trong khi đó, phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, chính khách kỳ cựu Mỹ, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger cảnh báo rằng, xung đột Nga-Ukraina phải kết thúc sau hai tháng nữa, nếu không sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Theo ông Kissinger, vẫn có cơ hội nhỏ để dẹp yên cuộc xung đột vũ trang ở Ukraina và tìm một giải pháp hòa bình. Nếu không, Nga có thể tách khỏi Châu Âu và trở thành đồng minh lâu dài của Trung Quốc.

“Các cuộc đàm phán về hòa bình cần phải bắt đầu trong khoảng hai tháng tới, trước khi xung đột tạo ra những biến động và căng thẳng sẽ không dễ dàng vượt qua” - nhà ngoại giao kỳ cựu 98 tuổi nói về cuộc khủng hoảng. Ông cho rằng, kết quả sẽ quyết định phần còn lại của các mối quan hệ giữa Châu Âu với Nga và Ukraina.

Ông nói: “Lý tưởng nhất là đường ranh giới nên trở lại nguyên trạng. Tôi tin rằng việc theo đuổi cuộc chiến ngoài thời điểm đó sẽ không biến nó thành một cuộc chiến vì quyền tự do của Ukraina, vốn đã được NATO thực hiện với sự gắn kết chặt chẽ, mà trở thành một cuộc chiến chống lại Nga”.

Cựu Ngoại trưởng Kissinger - người nổi tiếng bởi cách tiếp cận thực tế đối với quan hệ quốc tế - đặt lợi ích thiết thực của các quốc gia lên trên lập trường ý thức hệ của họ. Ông nhớ lại rằng, tám năm trước, khi cuộc khủng hoảng Ukraine được khởi động bằng một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, ông đã vận động để Ukraina trở thành một quốc gia trung lập và là "cầu nối giữa Nga và Châu Âu chứ không phải là... một chiến tuyến của các nhóm bên trong Châu Âu."

Tuy nhiên, thay vào đó, Kiev theo đuổi việc trở thành thành viên của NATO như một mục tiêu chiến lược, mở đường cho các hành động thù địch hiện nay. Cựu Ngoại trưởng Kissinger nói rằng cơ hội mà ông thúc đẩy sau đó không còn nữa, nhưng “nó vẫn có thể được coi là một mục tiêu cuối cùng”.

Phương Tây nên ghi nhớ bức tranh toàn cảnh hơn và nhớ rằng "Nga đã 400 năm là một phần thiết yếu của Châu Âu" - nhà ngoại giao nói. Ông cảnh báo rằng châu lục này nên cẩn thận "để Nga không bị đẩy vào một liên minh lâu dài với Trung Quốc”.


 

 Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022. Ảnh chụp màn hình
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022. Ảnh chụp màn hình


Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đề cập đến cuộc đối đầu leo ​​thang giữa Trung Quốc và Mỹ, nói rằng hai quốc gia hiện coi nhau là đối thủ cạnh tranh chiến lược khả thi duy nhất trên trường thế giới. Ông nói rằng một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước là một kịch bản đặc biệt đáng lo ngại đối với toàn thế giới.

Ông nói: “Một cuộc xung đột với công nghệ hiện đại được tiến hành trong bối cảnh không có bất kỳ cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nào trước đó, sẽ là một thảm họa cho nhân loại”.

Cuộc tụ họp tại Davos trong tuần này là diễn đàn quốc tế mới nhất mời Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham dự. Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky đã yêu cầu cung cấp thêm vũ khí cho Kiev và bổ sung nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Ông Zelensky tuyên bố Mátxcơva không quan tâm đến việc đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần nói rằng chính Ukraina đã làm đình trệ các cuộc đàm phán hòa bình sau khi đạt được một số tiến bộ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3.

Ngày 23.5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nhắc lại rằng Nga không phải là người khởi xướng đóng băng các cuộc đàm phán. “Chúng tôi sẵn sàng quay lại đàm phán ngay khi Ukraina thể hiện quan điểm mang tính xây dựng và phản ứng ở mức tối thiểu đối với những đề xuất mà chúng tôi đã gửi tới” - ông Rudenko nhấn mạnh.

 

Theo Ngọc Vân (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm