Thời sự - Bình luận

Ứng xử hài hòa với tự nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở trong mùa mưa lũ. Sự chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh mới chỉ một vài cơn mưa lớn giữa mùa hè mà tại một số địa phương đã xảy ra sạt lở đất gây chết người và thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Ứng phó với thiên tai không chờ chỉ đạo, mà phải từ thái độ ứng xử có văn hóa với thiên nhiên.

Công điện được ban hành ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lở đất nghiêm trọng ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) làm 2 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại. Trước đó, tại một số địa phương phía Bắc và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Ngoài việc yêu cầu chính quyền và ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông-Vận tải, Công thương, Quốc phòng, Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng-chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Bởi chỉ vài tháng nữa thôi là mùa mưa bão đã bắt đầu.

Miền Trung-Tây Nguyên có địa hình đặc thù nhiều rừng núi, độ dốc cao, sông suối ngắn. Biến đổi khí hậu cùng với tình trạng suy thoái môi trường là nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng thiên tai bất ngờ, dị thường, vượt quá những hiểu biết hiện tại của con người xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn, hậu quả cũng khó lường hơn với 2 hình thái thời tiết cơ bản là hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, thậm chí là sa mạc hóa gia tăng trong mùa nắng và bão lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập úng trầm trọng trong mùa mưa. Nhất là khi trong vài mươi năm trở lại đây, bão ngày càng có xu hướng dịch chuyển về phía Nam với quỹ đạo phức tạp, khó dự báo. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lở núi xảy ra ngày càng nhiều hơn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Lũ lụt không chỉ vì mưa lớn bất thường mà nhiều khi còn do phát triển đô thị thiếu quy hoạch gây ra. Không chỉ ở đồng bằng, vùng trũng thấp mà lũ lụt còn xảy ra ngay trong lòng thành phố, thậm chí là những thành phố trên cao nguyên. Sạt lở đất nhiều khi không còn do núi cao suối sâu, nước chảy xiết mà còn do những tác động từ các công trình xây dựng trái phép cản trở dòng chảy, làm đứt gãy địa tầng, gây mất an toàn cho hạ du. Vụ sạt lở đất tại Đà Lạt mới đây là một ví dụ cụ thể.

Vì vậy, không có gì là quá sớm khi ngay từ lúc này, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với những hậu quả mà thiên tai có thể gây ra trong mùa mưa bão sắp tới. Đó là nhanh chóng kiểm tra để phát hiện kịp thời những khu vực có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh trại, công trường xây dựng… để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; chuẩn bị phương án tìm kiếm, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Thiên tai ngày càng khốc liệt và là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Vì vậy, không chỉ tích cực triển khai các biện pháp ứng phó trước mỗi mùa mưa bão mà cần hơn là những giải pháp tổng thể trong việc sử dụng tài nguyên. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng, điều chỉnh cách ứng xử, hành vi của con người trong quan hệ với thiên nhiên, môi trường xung quanh, sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức mới-đạo đức môi trường trong một xã hội thân thiện, lấy phát triển xanh, phát triển bền vững làm một trong các đích hướng tới.

Hơn 30 năm trước, tháng 6-1992, Liên hợp quốc đã đưa ra khái niệm “Đạo đức môi trường” với 4 nguyên tắc chính nhằm tạo sự cân bằng giữa phát triển với bảo vệ môi trường sống, con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên thông qua các giải pháp về khoa học công nghệ. Chính phủ Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Nhận thức ấy cần được nhất quán từ tư duy đến hành động của tất cả cấp ủy, chính quyền và mỗi cá nhân, đảm bảo nền tảng phát triển bền vững dựa trên sự cân bằng và tôn trọng các quy luật của tự nhiên.

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm