(GLO)- Còn hơn 1 tuần nữa, nước Mỹ sẽ có Tổng thống thứ 45. Mấy tuần qua, Donald Trump đã tích cực hình thành bộ máy chính quyền mới. Cùng với việc thay đổi Tổng thống-người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ, toàn bộ bộ máy chính phủ cũng thay đổi theo. Tổng thống Mỹ trực tiếp bổ nhiệm khoảng 2.000 chức danh hành pháp trong đó có các thành viên nội các chính phủ và các đại sứ.
Tổng thống lựa chọn nhân sự chủ chốt ở các cơ quan nhà nước, cơ quan chính phủ, cơ quan an ninh và cơ quan ngoại giao như bộ trưởng, giám đốc cơ quan tình báo liên bang... đến lượt người đứng đầu từng cơ quan này tiếp tục lựa chọn cấp dưới của mình. Các nhân viên tiền nhiệm nếu không được lựa chọn tiếp tục công việc sẽ rời nhiệm sở ngay tức khắc, nhường vị trí cho người mới. Điều này đồng nghĩa với mỗi đời “quân” một đời “thần”. Dù có giữ chức vụ cao trong đời tổng thống này nhưng sẽ chẳng là gì ở đời tổng thống kế nhiệm. Đối với nền công vụ Mỹ, chuyện ấy hết sức bình thường.
Ưu điểm của cách làm này là tạo sự đồng thuận, “tâm đầu ý hợp” của những người trong cùng cơ quan, đơn vị, trong bộ máy từ người đứng đầu đến nhân viên. “Công thần” của lãnh đạo cũ sẽ vui vẻ cuốn gói ra về, chọn việc khác làm, không lăn tăn so bì rằng sao mình giỏi giang, có cống hiến nhiều thế mà không được trọng dụng. Công sức và cống hiến của họ sẽ được lịch sử ghi nhận, người đứng đầu của họ ghi nhận. Còn thủ trưởng cơ quan đó, người sắp kế nhiệm có công nhận năng lực và lựa chọn họ tiếp tục làm hay không là chuyện khác. Ngược lại, nếu nhân viên thấy không hợp, không thích thủ trưởng mới thì từ chối tiếp tục công việc và lựa chọn việc làm khác, ở chỗ làm khác phù hợp hơn với sở thích của mình.
Một khi người đứng đầu được quyền và chủ động lựa chọn bộ máy giúp việc cho mình, họ tìm ra những người được xem là ưu tú nhất cho vị trí công việc. Một việc có nhiều nhân sự để lựa chọn. Cấp dưới theo đó mà tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Người có quyền cao chức trọng không được bố trí công việc khi rời nhiệm sở cũng xem đó là bình thường, không đơn thư phản đối, xin xem xét được tiếp tục phục vụ, được cống hiến, được giữ nguyên chức vụ hoặc tương đương.
Obama nghỉ Tổng thống, Chính phủ của ông được Donald Trump thay gần như mới toàn bộ. Ngay cả nhân viên đại sứ quán ở nước ngoài cũng bị triệu hồi về tức thì. Nhiều chính sách mà trước đây Obama tâm huyết làm cho bằng được bây giờ nguy cơ bị phá sản bởi người kế nhiệm phủ quyết. Xã hội Mỹ và công dân Mỹ xem đó là chuyện bình thường.
Mặt trái của việc đề cao vai trò người đứng đầu là dễ bị lạm quyền, cửa quyền, thiếu tính liên thông, ổn định trong việc thực thi công việc. Một khi bộ máy hàng ngàn người cũ cùng lúc nghỉ việc, bao nhiêu vấn đề xã hội mới phát sinh cần phải giải quyết.
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta học cái hay cái tốt trong cách quản lý kinh tế, quản trị hành chính của các nước tiên tiến. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu và thái độ đối với công việc, trong từng vị trí việc làm. Làm sao để mỗi người, dù là người đứng đầu tiếp nhận hay rời bỏ vị trí công việc với một thái độ nhẹ nhàng, thanh thản, tôn trọng người tiền nhiệm, người kế nhiệm.
Xã hội ta đang quan tâm vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nó có tác dụng tích cực là làm cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ra sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm bản thân trước cấp trên. Người đứng đầu nếu nỗ lực, gương mẫu, hoàn thành tốt công việc của mình sẽ là tấm gương sáng cho cấp dưới học tập, làm theo.
Anh Dũng