Tin tức

Vây tàu Anh: Iran có át chủ bài, đồng minh Mỹ ngán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngay sau khi sự kiện các xuồng cao tốc có vũ trang của Iran bao vây tàu chở dầu Anh, ngay lập tức đồng minh của Mỹ có nhiều tâm tư.
Ngày 11/7, chính phủ Anh đã đưa ra thông báo chính thức về vụ việc: "Đi ngược lại luật pháp quốc tế, 3 tàu của Iran đã tìm cách chặn tàu thương mại Heritage của Anh đi qua Eo biển Hormuz.
Tàu khu trục HMS Montrose đã buộc phải tới vị trí giữa các tàu của Iran và tàu Heritage, đưa ra những lời cảnh báo đối với các tàu Iran, sau đó các tàu này đã bỏ đi. Chúng tôi quan ngại trước hành động này đồng thời tiếp tục kêu gọi chính quyền Iran giảm bớt căng thẳng tình hình trong khu vực."
Tuyên bố này đi ngược lại với những thông cáo từ chính quyền Iran. Cụ thể, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran IRGC bác cáo buộc của Anh, Mỹ về việc xuồng vũ trang của IRGC đã cố gắng chặn tàu chở dầu của Anh.
Bộ Ngoại giao Iran khẳng định "không có bất kỳ hoạt động tiếp cận, đối đầu nào với tàu thương mại British Heritage hay khu trục hạm HMS Montrose, mọi cáo buộc đều vô nghĩa".
 
Tàu chở dầu của Anh được cho là đã bị xuồng cao tốc có vũ trang của Iran đe dọa
Bộ Giao thông Vận tải Anh ngày 11/7 lập tức đưa ra khuyến nghị cho các tàu thương mại của Anh ra vào eo biển Hormuz phải thận trọng và đặt an ninh của họ trong tình trạng tăng cường. Trong hoàn cảnh xảy ra các cuộc tiếp xúc tương tự, tàu thương mại phải tăng tốc, gia tăng cảnh vệ trên boong và liên lạc ngay với tàu hải quân gần nhất.
Bộ này cũng khẳng định Hải quân Hoàng gia Anh sẽ tăng cường hoạt động ở vùng Vịnh và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tàu thương mại, tàu dân sự. London kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích trên biển của mình.
Một nguồn tin của chính phủ Anh nói trên đài truyền hình Sky News về việc các tàu thương mại của Anh gần eo Hormuz đã nhận được khuyến nghị của Bộ Giao thông Vận tải nước này và "lập tức áp dụng".
Song song với các động thái cấp tập từ Anh, Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ, đang đóng vai trò là trung gian hòa giải mâu thuẫn Mỹ-Iran cũng đã lên tiếng. Tokyo chco biết họ đang cân nhắc lựa chọn sẽ hợp tác với Mỹ trong việc hiện diện quân sự đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu thương mại tại Trung Đông.
Theo Hiến pháp của Nhật, nước này sẽ chỉ có các lựa chọn giới hạn như cung cấp hỗ trợ hậu cần và không được phép gửi đi các vũ khí sát thương. Tuy nhiên, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), ông Koji Yamazaki xác nhận: "Tokyo và Washington đang liên lạc gấp rút với nhau về vấn đề ở eo biển Hormuz".
Ông Koji Yamazaki nhấn mạnh: "Đây là khu vực cực kỳ quan trọng về an ninh năng lượng của Nhật Bản, Tokyo đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và sẽ có hành động ứng xử phù hợp và nhanh chóng nhất".
Trong một diễn biến mới nhất, tối ngày 11/7, CNN dẫn nguồn tin từ hai quan chức cấp cao của Washington nhấn mạnh Iran đã có hành động áp sát liều lĩnh vào tàu chở dầu của Anh, đây là một sự "nguy hiểm chưa từng có".
Các quan chức này cho biết máy bay trinh sát của Mỹ đã quay lại toàn bộ tình huống này. "Iran đã hành động dù biết rằng ở đó hiện diện máy bay quan sát của chúng tôi và tàu chiến của hải quân Anh" - nguồn tin này khẳng định.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mỹ và Anh vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho những cáo buộc về việc lực lượng quân sự Iran đã đe dọa tàu thương mại của Anh, cùng tương đương với việc chính quyền Iran đe dọa an ninh năng lượng của toàn thế giới qua eo biển Hormuz.
 
Một xuồng cao tốc có vũ trang của Iran hoạt động gần eo Hormuz
Khác với thời điểm khi 2 tàu chở dầu bị tấn công hồi tháng 6/2019, Mỹ đã lập tức đưa ra một đoạn video để chứng minh một tàu cao tốc của Iran đã tiến sát vào một trong hai con tàu bị tấn công để lấy đi một vỏ thủy lôi.
Thời điểm đó, không một quốc gia nào công nhận bằng chứng của Mỹ. Nhưng hiện tại, khi không có bằng chứng nào được đưa ra, thì một số đồng minh đã đứng ngồi không yên.
Điều này chỉ cho thấy rằng Mỹ đã tạo ra một mê trận thông tin: liên tiếp các cuộc tấn công, liên tiếp những cáo buộc. Nó khiến cho những người bĩnh tĩnh nhất như Nhật Bản cũng không thể ngồi yên.
Chính Tokyo là bên đang nhận trách nhiệm trung gian hòa giải cho xung đột giữa Iran và Mỹ. Họ còn đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tiếp xúc vào để tăng tính hiệu quả của công việc khó khăn này.
Song Nhật Bản không thể ngồi yên và cân nhắc đến việc phối hợp với Mỹ đã chỉ ra một thực trạng, eo biển Hormuz quá quan trọng với đồng minh của Mỹ cũng như vấn đề năng lượng toàn cầu.
Mê trận thông tin mà Mỹ bày ra đủ khiến tất cả mọi việc trở thành bán tín bán nghi, và biến Iran trở thành nhân vật phản diện nhất. Ngược lại, Mỹ một lần nữa phải đóng vai người hùng, thống lĩnh lực lượng liên minh bảo vệ an ninh năng lượng toàn cầu.
Mục đích của Mỹ đã rõ, nhưng ngược lại, nó cũng chỉ ra một tử huyệt: eo Hormuz. Iran tuyên bố có tên lửa nhắm tới mọi căn cứ của Mỹ ở Trung Đông, có thể chiến thắng mọi kẻ thù trên bộ, nhưng họ có một vũ khí nguy hiểm hơn cả, khiến tất cả đối thủ phải lay động: đóng cửa eo Hormuz, cũng như đóng cửa nguồn cung dầu của 3/4 nhu cầu thế giới.
Đỗ Tú (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm