Tin tức

Việt Nam lên tiếng về tình hình Liban và Somalia tại cuộc họp của HĐBA

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đại diện của Việt Nam cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan của Liban có các nỗ lực để củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy tiến độ điều tra vụ nổ tại Beirut vào tháng 8/2020.

 

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Khaled Khiari. (Nguồn: Reuters.)
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Khaled Khiari. (Nguồn: Reuters.)


Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 20/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp nghe báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 1559 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan tình hình Liban.

Tại báo cáo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Khaled Khiari đánh giá Liban tiếp tục gặp nhiều thách thức khi mà tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, bất ổn, tỉ lệ nghèo đói, thất nghiệp gia tăng và đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia này tiếp tục bị xâm phạm. Những vấn đề này cho thấy hầu như đã không có tiến bộ nào trong việc thực hiện Nghị quyết 1559 trong thời gian qua.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Trà hoan nghênh việc thành lập chính phủ mới tại Liban và hy vọng chính phủ mới sẽ nỗ lực thực hiện những cải cách cần thiết, đưa đất nước vượt qua tình trạng khủng hoảng hiện nay. Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực quốc tế do Pháp và Liên hợp quốc đi đầu nhằm hỗ trợ người dân Liban.

Đại diện của Việt Nam cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan của Liban có các nỗ lực để củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy tiến độ điều tra vụ nổ tại Beirut vào tháng 8/2020, đồng thời, kêu gọi các bên ở Liban kiềm chế và tránh mọi hành động và phát ngôn làm gia tăng căng thẳng.

Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc lãnh thổ của Liban tiếp tục bị vi phạm, ảnh hưởng đến sự ổn định của Liban và cả khu vực nói chung. Việt Nam kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Liban theo các Nghị quyết 1559 và 1701 của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết 1559 được Hội đồng Bảo an thông qua năm 2004, khẳng định yêu cầu tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất và độc lập chính trị của Liban dưới cơ quan quyền lực duy nhất là Chính phủ Liban; giải tán và giải giáp tất cả các lực lượng có vũ trang ngoài nhà nước trên lãnh thổ Liban; kêu gọi tất cả các lực lượng nước ngoài còn lại rút khỏi Liban.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an cũng nghe báo cáo của Ủy ban 751 của Liên hợp quốc liên quan đến tình hình Somalia. Theo bà Geraldine Byrne Nason, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ireland tại Liên hợp quốc và cũng là Chủ tịch Ủy ban 751, trong bốn tháng qua, Uỷ ban 751 đã tập trung vào việc hỗ trợ và tư vấn cho Chính phủ Somalia nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tư vấn kiểm soát nguồn thu tài chính, giám sát cấm vận vũ khí đối với lực lượng khủng bố Al-Shabaab và tư vấn các biện pháp quản lý vũ khí, đạn dược cho Chính phủ Somalia.

Nhóm chuyên gia của Uỷ ban cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho Chính phủ Somalia, trong đó có việc tăng cường năng lực cho lực lượng an ninh và cảnh sát, khuyến khích Chính phủ Somalia có cách tiếp cận tích cực hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động đến môi trường trong các khu vực bị xung đột, lũ lụt.

Ủy ban liên quan đến Somalia được thành lập theo Nghị quyết 751 (1992), có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp của Hội đồng Bảo an liên quan đến Somalia; kiểm tra các báo cáo của các nước thành viên được gửi theo các nghị quyết liên quan. Từ năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc duy trì họp định kỳ 4 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của Ủy ban.

Theo Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm