Tin tức

VN làm chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, khối công việc 'nặng nề'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam sẽ nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1/2020, ngay sau khi trở thành ủy viên không thường trực của hội đồng nhiệm kỳ 2020-2021.
Chức chủ tịch Hội đồng Bảo an được luân phiên cho các nước thành viên theo tháng, theo thứ tự alphabet tên tiếng Anh của các nước thành viên. Tháng 10-12, lần lượt các nước Nam Phi, Anh và Mỹ giữ chức chủ tịch.
Việt Nam đắc cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 sau phiên bỏ phiếu tại New York ngày 7/6, nhận được 192 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 phiếu), 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009.
Việc bảo vệ và gìn giữ hòa bình thế giới là “sứ mệnh chính trị trọng tâm nhất mà cả hệ thống Liên Hợp Quốc đã trao cho Hội đồng Bảo an”, theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, người từng có hơn 10 năm làm trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở cả New York lẫn Geneva.
Vì vậy, khối lượng công việc đè lên vai Chủ tịchHội đồng Bảo an, nhất là trong tháng đầu tiên của một nhiệm kỳ, là “rất nặng nề”, đặc biệt khi thế giới diễn biến khó lường, ông cho biết.
“Các xung đột tiếp diễn ở Trung Đông, châu Phi, quan hệ Mỹ - Iran, điểm nóng bán đảo Triều Tiên, điểm nóng Biển Đông... mọi thứ ngày càng phức tạp”, Đại sứ Ngô Quang Xuân nói với Zing.vn. “Khối lượng các cuộc họp, tham khảo, họp kín cả ngày lẫn đêm của Hội đồng Bảo an sẽ rất lớn và kéo dài”.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu trước báo giới sau khi Việt Nam được bầu vào HĐBA hôm 7/6. Ảnh: Liên Hợp Quốc.
Theo quy tắc về tổ chức của Hội đồng Bảo an, vai trò của chủ tịch Hội đồng Bảo an bao gồm triệu tập cuộc họp của hội đồng, chấp thuận nghị trình dự kiến của cuộc họp, chủ trì cuộc họp, đại diện cho hội đồng trước Liên Hợp Quốc.
Theo ông Xuân, các thành viên Hội đồng Bảo an được kỳ vọng có những đề xuất, sáng kiến, nhằm tìm kiếm biện pháp hóa giải xung đột giữa các bên, ngăn ngừa, giảm bớt phức tạp, và nước chủ tịch phải dẫn dắt công việc của HĐBA sao cho hài hòa và hiệu quả.
“Nhiệm vụ của Chủ tịch của chúng ta làm sao huy động tốt nhất sự tham gia tích cực củaa các thành viên, đồng thời cùng tìm ra những sáng kiến thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và uy tín của HĐBA”, vị đại sứ từng trực tiếp đàm phán giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 cho biết.
 
Một nghị quyết cần 2/3 số phiếu của HĐBA để thông qua, trong đó không nước nào trong 5 nước ủy viên thường trực bỏ phiếu phủ quyết. Ảnh: AFP.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có 15 ủy viên, bao gồm 5 ủy viên thường trực - Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Pháp có quyền phủ quyết.
10 ủy viên không thường trực còn lại được Đại Hội đồng bỏ phiếu chọn và có nhiệm kỳ hai năm. Trong đó, 5 nước nhiệm kỳ 2019-2020 là Bỉ, Cộng hòa Dominica, Đức, Indonesia và Nam Phi. 5 nước trở thành ủy viên vào ngày 1/1/2020 là Việt Nam, Estonia, Niger, Tunisia và đảo quốc Saint Vincent và Grenadines.
Trọng Thuấn (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm