Lá cờ của con tàu có thể giúp cho chủ sở hữu tiết kiệm chi phí, nhưng đối với các thủ thủ đoàn, đó có thể là cơn ác mộng.
Một con tàu chở dầu mang cờ Anh thuộc sở sữu của một công ty Thụy Điển bị Iran bắt giữ hôm 19/7 ở eo biển Hormuz. 23 thủy thủ trên tàu bị bắt giữ đều là những người chẳng liên quan gì tới cả 3 nước kể trên.
Thủy thủ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh bị Iran bắt hôm 19/7 ở eo biển Hormuz. Ảnh: Fars news Agency
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở eo biển Hormuz đã phơi bày thế giới tăm tối của vận tải biển quốc tế, nơi mà các chủ tàu có thể đăng ký và tái đăng ký con tàu của mình chỉ trong vài phút, đồng thời biến các thủy thủ của mình thành con tốt đen trong ván cờ ngoại giao.
“Nếu bạn có một chiếc thẻ tín dụng và chỉ 15 phút bạn có thể đăng ký lại con tàu của mình dưới bất cứ lá cờ nào bạn muốn”, Michael Roe, một giáo sư về hàng hải tại Đại học Plymouth cho biết.
Theo luật hàng hải, mọi con tàu vận tải đều phải được đăng ký với một nước. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về các vùng biển quốc tế, một con tàu phải có “mối liên hệ lớn” với lá cờ nó đăng ký, nhưng các quy tắc hiện nay cho phép con tàu có thể đi lại dưới bất cứ lá cờ nào, bất kể chủ sở hữu của nó ở nước nào, miễn là họ trả phí đăng ký. Điều này được biết đến trong ngành vận tải biển với khái niệm “lá cờ của sự tiện lợi”.
“Lá cờ tiện lợi”
Việc gần 40% đội tàu toàn cầu được đăng ký ở Panama, Liberia và Quần đảo Marshall – 3 nước chỉ sở hữu tổng cộng 169 tàu, cho thấy sự phổ biến trong thực tế của những “lá cờ tiện lợi”.
“Không hề ngoa ngoắt, đây là những nước hoàn toàn chẳng liên quan khi nói về vấn đề vận tải biển, ngoại trừ việc họ có những lá cờ “rẻ” với tiêu chuẩn quy định thấp”, Giáo sư Roe nói.
Các quyết định đăng ký chủ yếu là vì các lý do thương mại.
“Một cách để giảm chi phí là chọn một lá cờ như Mông Cổ. Họ chẳng có bờ biển, cảng biển và chẳng có sự liên quan trực tiếp thực sự nào với việc vận tải biển, nhưng họ lại có một lá cờ có chi phí đăng ký thấp, tiêu chuẩn thấp, vì thế điều này sẽ có lợi cho chủ tàu”. Roe nói.
Theo Hội Nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, hiện có 265 tàu với tổng khả năng vận chuyển hàng hóa 664 triệu tấn đang đi lại dưới lá cờ Mông Cổ.
Một cách giảm chi phí khác là tránh thuế cao. Ví dụ, Hy Lạp, một siêu cường vận tải quốc tế sử hữu đội tàu vận tải lớn nhất thế giới, nhưng các con tàu của nước này lại chủ yếu treo cờ nước ngoài, vì các chủ tàu muốn tránh thuế cao của Hy Lạp.
Richard Coles, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Luật Hàng hải tại Đại học Southampton, đồng thời là một luật sư lâu năm về vận tải biển, nói rằng, khái niệm “lá cờ tiện lợi” được coi là điều gì đó mang tính xúc phạm trong ngành công nghiệp vận tải biển, vì theo các công ước quốc tế, mọi con tàu đều phải tuân theo các tiêu chuẩn an toàn chung, các tiêu chuẩn về luật lao động và môi trường, bất kể đăng ký dưới lá cờ nào.
“Vấn đề ở đây là sự khó khăn. Một con tàu treo cờ Anh hay cờ Mỹ, thường sẽ phải tuân thủ các quy định khắt khe về an toàn của những nước này, trong khi ngược lại nếu đi lại với lá cờ của một quốc đảo nhỏ ở Caribe, thì tiêu chuẩn sẽ không quá chặt chẽ”, ông nói.
Số phận của thủy thủ đoàn
Tuy nhiên, quyết định về lá cờ sẽ có tác động lớn đối với các thủy thủ. Stena Impero, tàu chờ dầu thuộc chủ sở hữu Thụy Điển bị Iran bắt tuần trước, gần như chắc chắn bị đưa vào mục tiêu vì nó treo cờ Anh.
Iran bắt con tàu như một động thái trả đũa sau khi siêu tàu chở dầu Grace 1 của nước này bị bắt ở Gilbraltar với cáo buộc nó vận chuyển dầu của Iran tới Syria là vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.
Thủy thủ đoàn trên tàu Stena Impero đến từ Ấn Độ, Philippines, Nga và Latvia, những nước gần như chẳng liên quan gì đền vòng xoáy căng thẳng giữa Iran và phương Tây hiện nay.
Thành phần trong thủy thủ đoàn trên tàu Stena Impero cũng rất điển hình: Ấn Độ, Nga và Philippines nằm trong số 5 nước có số lượng thủy thủ nhiều nhất thế giới.
David Heindel Chủ tịch bộ phận thủy thủ tại Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế (ITWF) nói rằng, rủi ro mà các thủy thủ đối mặt ở eo biển Hormuz là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
ITWF đã phản đối “lá cờ tiện lợi” hàng chục năm qua vì cho rằng điều này đặt thủy thủ đoàn vào nguy cơ bị đối xử không công bằng.
Trên những con tàu mang “lá cờ tiện lợi”, các thủy thủ không mang quốc tịch của nước chủ sở hữu tàu hay nước mà con tàu treo cờ thường không có quyền lợi tương đương như những thủy thủ mang quốc tịch của nước có liên quan tới con tàu”, ông nói
Khi một con tàu đăng ký với một nước, nó được công nhận “quốc tịch” và được quản lý bởi luật pháp của nước đó. Đổi lại, đất nước đó, về mặt lý thuyết, sẽ chịu trách nhiệm về con tàu và thủy thủ trên tàu bất chấp quốc tịch của họ.
Tuy nhiên, Heindel nói rằng, các thủy thủ đôi khi cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ đất nước mà tàu của họ treo cờ nếu họ không phải là công dân của nước đó. Điều này đặc biệt đúng khi lá cờ thuộc về một nước đang phát triển có ít sức mạnh ngoại giao cũng như sự bảo vệ đối với người lao động.
Ông Heindel cũng nói rằng, các phái bộ ngoại giao từ đất nước của các thủy thủ có thể cũng không có khả năng giúp đỡ họ, bởi họ không có quyền gì với con tàu.
Theo người phát ngôn của Stena Bulk, chủ sở hữu con tàu Stena Impero, chính phủ Anh và Thụy Điển đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để con tàu cùng thủy thủ đoàn được thả, đồng thời liên tục thông tin cho các đại sứ quán của Nga, Latvia, Philippines và Ấn Độ.
Erik Hanell, CEO của Stena Bulk cho biết ông sẽ không xem xét việc lá cờ của con tàu có đóng vai trò gì trong vụ bắt giữ hay không. Ông nói rằng, Stena Bulk là thuộc sở hữu của Thụy Điển, nhưng công ty này hoạt động trên toàn cầu và có “sự hiện diện lớn” ở Anh. “Có thể có nhiều lý do vì sao tàu của bạn mang lá cờ khác”, ông nói.
Dân trí (Theo Hoàng Phạm VOV.VN)