Năm 2016, thứ “vũ khí” này giúp tỷ phú Donald Trump – người được cho là ít kinh nghiệm về chính trị – trở nên gần gũi và thu hút cử tri. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trump cũng không ít lần lạm dụng “vũ khí” yêu thích của mình và gây tranh cãi.
Twitter – thứ “vũ khí” làm nên thương hiệu của ông Trump (ảnh: Washington Post) |
Khác hẳn với những tổng thống Mỹ thường truyền tải thông điệp, các quyết sách trên kênh truyền hình lớn, từ khi ông Trump lên nắm quyền, câu hỏi mỗi sáng của dân Mỹ là: “Bạn biết ông Trump vừa đăng gì lên Twitter không?”.
Twitter là công cụ quan trọng giúp ông Trump trực tiếp giao lưu với người dân Mỹ, người ủng hộ qua tài khoảng hơn 87 triệu lượt theo dõi.
“Nếu không có Twitter, sẽ chẳng có nhiệm kỳ nào dành cho ông Trump”, Kirsten Powers – chuyên gia phân tích chính trị Mỹ – nhận xét.
Suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đăng bài viết, trạng thái, bình luận lên Twitter với tần suất “khủng khiếp”.
Không chỉ thông báo những quyết sách, tin tức quan trọng, ông Trump còn chỉ trích những người mình không vừa ý trên mạng xã hội. Tổng thống Mỹ dường như không được lòng nhiều hãng tin, ông chọn cách trực tiếp đăng tin tức lên Twitter.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã gọi một số hãng truyền thông Mỹ là đưa “tin giả” hơn 800 lần.
“Mọi tổng thống Mỹ đều từng ít nhiều gặp sự cố với truyền thông. Tuy nhiên, không ai công khai chỉ trích báo giới như ông Trump”, Craig Shirley – nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ – nhận xét.
Mạng xã hội vẫn được đánh giá và lợi thế quan trọng của ông Trump trong cuộc đua bầu cử với ông Biden (ảnh: BBC) |
“Chỉ với 140 ký tự, ông Trump có thể thay đổi hướng đi của cả một công ty Mỹ nằm trong bảng xếp hạng top 100”, Corey Lewandowski – cựu quản lý chiến dịch tranh cử ông Trump – nhận xét về ảnh hưởng đối với kinh tế của ông Trump qua mạng xã hội.
Ngày 31.05.2017, ông Trump đăng lên Twitter dòng trạng thái kỳ lạ với từ “covfefe” không có ý nghĩa, có vẻ là bị viết sai.
Tuy nhiên, ông Trump lập tức tạo ra trào lưu “covfefe” với dòng tweet của mình. Vô số người thích bài viết của Tổng thống Mỹ. Nhiều người cố gắng phân tích, giải thích từ “covfefe” như thể đây là bí mật an ninh quốc gia.
“Ai có thể hiểu được ý nghĩa của ‘covfefe’ không? Nếu có thì hãy tận hưởng nó”, ông Trump đăng thêm dòng trạng thái bí ẩn.
Từ “covfefe” sau đó được nhiều người gắn lên biển số xe. Nhiều nhà ngôn ngữ học còn “đau đầu” khi cố tìm ra cách phát âm từ này.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ông Trump cũng nhận được sự ủng hộ trên mạng xã hội. Quyết định cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội của ông Trump đăng lên Twitter từng hứng “bão” chỉ trích.
Ông Trump còn là Tổng thống Mỹ đầu tiên sa thải quan chức Nhà Trắng qua mạng xã hội.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã rời bàn làm việc chỉ 3 tiếng sau khi ông Trump đăng quyết định sa thải lên mạng xã hội.
Cụm từ “điều bất ngờ tháng 10” – khái niệm chỉ sự kiện bất ngờ có thể tác động lớn đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay – cũng được cho là bắt nguồn từ trang Twitter của ông Trump.
Thông báo ông Trump nhiễm Covid-19 nhận được gần 2 triệu lượt tương tác của người dùng Twitter (ảnh: CNN) |
Trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, bài đăng nhận được nhiều lượt tương tác nhất là khi Tổng thống Mỹ thông báo mình và phu nhân nhiễm Covid-19.
Những thông tin về sức khỏe của ông Trump sau đó được cập nhật liên tục qua Twitter. Nhiều người Mỹ ngày nay có thói quen đọc tin tức qua trang Twitter của ông Trump hơn là đọc báo.
Mạng xã hội vẫn được cho là lợi thế quan trọng của ông Trump trong chiến dịch tranh cử lần này.
“Ông Trump hiểu rõ những người khao khát thông tin ở thế giới ngoài kia. Ông ấy có thể tạo ra 4 – 5 chủ đề mỗi ngày bằng Twitter. Đối thủ của ông ấy – Joe Biden – không thể xuyên phá nổi hàng rào thông tin này. Ông Trump luôn là người kiểm soát”, Kevin Madden – chuyên gia chiến lược tranh cử của đảng Cộng hòa – nhận xét.
“Ông Trump là tổng thống mạng xã hội”, Rhea Mahbubani – bình luận viên của tờ Business Insider – nhận xét.
Theo Vương Nam – Washington Post/Dân Việt