Xác tên lửa Trung Quốc nặng 17,8 tấn đã rơi xuống trái đất hoàn toàn mất kiểm soát vào ngày 11.5.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng hôm 5.3. Ảnh: CASC |
Tờ Live Sience dẫn lời ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn và theo dõi vật thể quỹ đạo của Harvard, cho biết xác tên lửa Trường Chinh 5B là rác vũ trụ nặng nhất rơi xuống trái đất trong gần 3 thập kỷ.
Lần cuối cùng một vật thể nặng hơn rơi xuống trái đất theo cách không kiểm soát là năm 1991, khi trạm vũ trụ Salyut-7 của Liên Xô nặng 39.000 tấn quay trở lại khí quyển ở Argentina.
Vào tháng 7.2019, trạm không gian Thiên Cung 2 của Trung Quốc đã rơi xuống trái đất trong tình trạng có kiểm soát. Nhưng lần đó Thiên Cung 2 chỉ nặng 8,6 tấn, chưa bằng một nửa kích thước lần này, chưa kể nó được điều khiển từ xa bằng cách sử dụng nhiên liệu cuối cùng để rơi xuống một vùng biển xa xôi được xác định trước.
Năm 2018, tiền thân của trạm vũ trụ đó, trạm vũ trụ Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn đã rơi xuống không kiểm soát (nhưng vô hại) vào Thái Bình Dương.
Phi đội kiểm soát không gian thứ 18 - nhóm theo dõi không gian của Không quân Mỹ - báo cáo rằng ngày 5.3, Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển lúc 11:33 sáng giờ miền Đông nước Mỹ (EST). Vào thời điểm đó, nó ở ngoài khơi bờ biển phía tây Châu Phi, tiếp cận Nouakchott, Mauritania.
Theo ông McDowell, trong nửa giờ cuối cùng, Trường Chinh 5B đã đi qua Hollywood, Colorado Springs và Công viên Trung tâm New York.
"Tôi chưa bao giờ thấy một vụ tên lửa nào rơi xuống trái đất mà vượt qua rất nhiều khu đô thị lớn như vậy" - ông McDowell viết trên Twitter.
Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần bị chỉ trích vì để phần còn lại của tên lửa trong những cuộc phóng vệ tinh rơi tự do xuống trái đất, đe dọa sự an toàn của người dân.
https://laodong.vn/the-gioi/xac-ten-lua-lon-nhat-trung-quoc-roi-xuong-trai-dat-804741.ldo
Theo Song Minh (LĐO)