Xã hội

Gia đình

Xây dựng gia đình văn hóa: Cần sự chung tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, việc xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác này cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
Từ nền tảng gia đình
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm hộ ông Rơ Châm Jao (làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, Gia Lai) là gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện nhiều năm liền. Đây là một trong những gia đình 3 thế hệ vẫn giữ được nếp sinh hoạt chung ổn định, đầm ấm. Những giá trị truyền thống mà gia đình ông Jao duy trì suốt bao năm nay là dạy con cháu điều hay, lẽ phải, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Ông Jao chia sẻ: “Giữ gìn truyền thống, đạo hiếu gia đình để con cháu noi theo là cần thiết. Gia đình có tốt thì con cái mới ngoan ngoãn, lễ phép, kính trên nhường dưới, chịu khó lao động. Hiện tại, các con tôi đều đã có gia đình riêng và rất chăm chỉ, chịu khó. Đây chính là niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi lúc tuổi già”. Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư, ông còn là người uy tín trong làng, cùng cán bộ vận động các nhà tài trợ ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. 
Trò chuyện với P.V, ông Phạm Đình Sức (làng Krái, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho hay: Dù vợ chồng ông đều làm nông, con cái đã trưởng thành nhưng đối với họ việc gìn giữ hạnh phúc gia đình giai đoạn nào cũng quan trọng. Ông chia sẻ: “Gia đình là cái nôi để hình thành nhân cách các con. Vợ chồng tôi luôn lấy tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình để làm nền tảng. Nền nếp gia phong trong cuộc sống hiện đại nhiều khi cũng bị lung lay, nhưng quan trọng là các thành viên sống chan hòa, yêu thương, bình đẳng, như vậy sẽ góp phần xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc”.
Ban chỉ đạo họp bàn các giải pháp xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: Đinh Yến
Theo ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, việc phát huy sức mạnh gia đình văn hóa chính là nền tảng tạo sức mạnh cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở mỗi địa phương. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Vì vậy, công tác xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát huy giá trị văn hóa gia đình, năm 2018, toàn tỉnh đã công nhận 264.693/347.372 gia đình văn hóa, đạt 76,19% (tăng 0,76% so với năm 2017). Kết quả này cho thấy, công tác gia đình và xây dựng nếp sống văn hóa gia đình đã và đang khẳng định vị thế, vai trò đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thách thức và giải pháp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng gia đình văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo bà Rơ Châm HYéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, gia đình hiện nay đang chịu tác động của mặt trái cơ chế thị trường cùng lối sống thực dụng, sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, thanh niên đua đòi, tụ tập uống rượu, quậy phá... Những giá trị đạo đức tốt đẹp đang bị mai một. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống đang bộc lộ ngày càng rõ nét.
Bà Rơ Châm H'Hồng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-cũng nêu thách thức mà các gia đình hiện đại đang phải đối mặt, đó là tình trạng ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân ngày càng gia tăng. Tệ nạn ma túy, cờ bạc ở nông thôn đang đe dọa tới hạnh phúc và sự phát triển bền vững của nhiều gia đình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình còn hạn chế. Một số gia đình chưa thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục con cái, dẫn đến nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội.
Tại hội nghị tổng kết công tác văn hóa gia đình do Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, trước những thách thức nêu trên, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các gia đình, cá nhân và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Mỗi cá nhân, gia đình nhận thức sâu sắc ý nghĩa và trách nhiệm của việc xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh nhấn mạnh: “Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức để đưa được thông tin đến với người dân. Tổ chức tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa. Bên cạnh đó là tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình để xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh. Bởi nếu không có gia đình văn hóa thì không thể có xã hội văn hóa”. 
 Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm