Thời sự - Bình luận

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM nhằm thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác”.
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM nhằm thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là động lực quan trọng để xây dựng thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của thành phố, con người thành phố - trung tâm của vùng đất Nam bộ.
Thời gian qua, những nỗ lực xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã có những điểm đáng ghi nhận. Nhiều đơn vị, cơ quan đã có ý thức xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở nơi công tác, gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình, hình thành nhiều mô hình hay để lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều nơi cách làm còn rập khuôn, chỉ khác ở quy mô; các câu chuyện, hình ảnh, dẫn chứng cũ, thiếu vận dụng thực tế sinh động; phần thực hiện không gian dạng vật thể vẫn mang nặng tính chất báo cáo, chưa chỉ ra được sự chuyển biến, vận dụng thực tế ở đơn vị một cách rõ rệt.
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có sự đầu tư các nguồn lực vật chất đủ mạnh từ thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương cùng với huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội. Chủ trương đó phải biến thành chương trình hành động cụ thể và sáng tạo, có các chính sách đồng bộ, toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Các không gian văn hóa hiện đại phải gắn kết với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các nhà di tích, khu tưởng niệm gắn với Bác ở TPHCM… đến mọi thiết chế văn hóa khác như thư viện, rạp hát, vườn hoa, công viên, tượng đài, hệ thống các trường, từ cơ sở tới quy mô toàn thành phố. Cùng với đó, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan quản lý và các lực lượng xã hội có tiềm năng về giáo dục, văn hóa trong triển khai xây dựng và tổ chức các hoạt động tại các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.
Việc xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với xây dựng và bảo vệ giá trị văn hóa dựa trên nền tảng hệ giá trị chung của quốc gia, dân tộc; phải chắt lọc, kế thừa phát triển và ngày càng hoàn thiện từ các giá trị văn hóa đã được tạo dựng và khẳng định qua thời gian; là sự kết tinh, hòa quyện từ các giá trị văn hóa chung, phổ quát của dân tộc, nhân loại với các giá trị văn hóa riêng có để từ đó khai thác, phát huy thế mạnh của TPHCM.
Tùy thuộc vào tính chất mỗi công việc, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ có những biến đổi phù hợp với từng không gian đặc thù khác nhau. Việc trước mắt chính là làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần trong mọi tầng lớp nhân dân. Đó chính là nền tảng quan trọng để mỗi người dân tự hào với nhịp sống nơi thành phố mang tên Bác.
Theo TRẦN THIÊN THANH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm