Thời sự - Bình luận

'Xây tổ' cho ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối tháng 8 này, Việt Nam đã đón đoàn du khách 4.500 người thuộc một tập đoàn dược phẩm Ấn Độ đến tham quan, vui chơi tại Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình. Đây là sự kiện phấn khởi của ngành du lịch nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Những nhóm đầu tiên của đoàn khách du lịch Ấn Độ có quy mô 4.500 người đã tới Hà Nội

Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, đây không phải là đoàn khách lớn đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trước đó, nhiều đoàn khách tàu biển với vài ngàn người đến từ nhiều quốc gia đã được các công ty lữ hành đón tiếp và đưa đi tham quan các địa phương của TPHCM và một số điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là kết quả từ nỗ lực của toàn ngành du lịch để nước ta trở lại là điểm đến ưa thích của khách quốc tế.

Với nhóm khách Ấn Độ, những năm qua đã có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, đặc biệt đã có sự xuất hiện nhóm khách siêu giàu. Họ đến Việt Nam không chỉ trải nghiệm thắng cảnh, văn hóa Việt, mà còn để tổ chức các đám cưới sang trọng tại những thành phố biển lớn như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh). Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023 nước ta đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 231% so với năm 2019. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay Việt Nam đón tới 231.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời điểm này, chúng ta chuẩn bị cho mùa cao điểm đón khách quốc tế, bắt đầu từ cuối tháng 9 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Số liệu ngành du lịch 7 tháng đầu năm cho thấy lượng khách quốc tế tăng đáng kể, ở mức gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, chỉ tính riêng ở thời điểm này, ngành du lịch không còn là “nỗ lực phục hồi sau đại dịch” mà đã tăng trưởng vượt cả thời điểm bùng nổ trước đại dịch. Các chuyên gia du lịch dự báo, từ nay tới cuối năm, ngành du lịch Việt Nam có thể sớm đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế.

Những tín hiệu đáng mừng về số lượng du khách cũng đặt ra thách thức hạ tầng cho ngành du lịch - vốn thiếu các công trình phục vụ quy mô lớn. Như chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp du lịch lớn tại TPHCM, nếu có đoàn khách lớn các công ty phải chia nhỏ để phục vụ. Ví dụ đưa nhóm khách này tham quan khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm khác đi khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, nhóm còn lại sẽ tham quan bảo tàng, du lịch đường sông, trải nghiệm City tour. Việc “cập bến” để tham quan đồng loạt là rất khó tổ chức.

Song song với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, thì các bộ ngành, địa phương cũng cần chung tay nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để có thể đón các đoàn khách lớn mà số lượng lên tới hàng chục ngàn khách trong tương lai, hoặc đối tượng khách siêu sang, siêu giàu. Cùng với đó, tập trung vào các hạng mục như xây dựng các trung tâm vui chơi, giải trí, khu lưu trú quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm du lịch để du khách chi tiêu nhiều tiền hơn.

Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam vốn rất phong phú, với các sản vật từ bãi biển trải dài, rừng núi trập trùng, nhưng cần phải phát triển, chăm chút thành món ngon đặc trưng của vùng miền. Đồng thời, sự kiểm soát chất lượng thực phẩm là vấn đề hết sức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh, an toàn cho du khách. Chúng ta cũng cần chú trọng đầu tư thích đáng để phát triển kinh tế đêm. Đó không chỉ là những chợ ẩm thực đơn thuần mà còn phản ánh rõ bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, kinh tế đêm mang lại nguồn thu cực lớn cho nền kinh tế nếu như được đầu tư phát triển bài bản.

Muốn đi đường dài, đón được ngày càng nhiều du khách và lâu bền, các bộ ngành, doanh nghiệp cũng như người dân cần phải nắm chặt tay nhau “xây tổ” du lịch một cách chỉn chu, bền chặt.

Theo THI HỒNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm