Tin tức

Xét xử hơn 30 người dính líu bê bối "Hồ sơ Panama" năm 2016

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Tư pháp Panama thông báo 32 bị cáo sẽ bị truy tố với “cáo buộc phạm tội chống lại trật tự kinh tế, dưới hình thức rửa tiền, trong vụ án mang tên Hồ sơ Panama”.

Ảnh minh họa - Trung tâm tài chính của thành phố Panama (Panama). (Nguồn: 20minutes.fr)
Ảnh minh họa - Trung tâm tài chính của thành phố Panama (Panama). (Nguồn: 20minutes.fr)


32 công dân Panama sẽ bị truy tố với cáo buộc liên quan đến vụ bê bối "Hồ sơ Panama" năm 2016.

Ngày 25/1, Bộ Tư pháp Panama thông báo 32 bị cáo trên sẽ bị truy tố với “cáo buộc phạm tội chống lại trật tự kinh tế, dưới hình thức rửa tiền, trong vụ án mang tên Hồ sơ Panama.”

Phiên toàn xét xử các bị bị cáo này sẽ diễn ra từ ngày 15-18/11 tới.

Tuy tuyên bố của Bộ Tư pháp Panama không liệt kê cụ thể nhân vật nào, nhưng hãng tin AFP của Pháp dẫn một nguồn thạo tin cho biết trong số các bị cáo có Juergen Mossack và Ramon Fonseca Mora, hai thành viên sáng lập công ty Mossack Fonseca.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Mossack và Fonseca đã mở công ty luật mang tên chung là Mossack Fonseca ở Panama, chuyên thiết lập và điều hành các công ty bình phong. Vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật này vào tháng 4/2016 đã gây chấn động toàn thế giới.

Trong các tài liệu đó có tên của nhiều chính trị gia, ngôi sao, tỷ phú, quan chức Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) và những ngân hàng... liên quan đến hành vi trốn thuế cũng như rửa tiền.

Thủ tướng Iceland khi đó là Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải từ chức và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng đã bị phế truất vì các cáo buộc liên đới.

Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), với hơn 400 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới, cho biết ít nhất 150 cuộc điều tra đã được tiến hành tại hơn 70 quốc gia sau vụ rò rỉ hàng triệu tài liệu trên. Ngoài ra, hàng nghìn cuộc điều tra sơ bộ khác cũng đã được thực hiện, qua đó giúp thu hồi số tiền hơn 2 tỷ euro (2,26 tỷ USD).

Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm