Là một người đã từng không ít lần ngồi trên xe cấp cứu đi đón bệnh nhân nguy kịch trong những ngày TP.HCM hoàn toàn bị phong tỏa trong đỉnh dịch, tôi thật sự hạnh phúc khi thấy TP đã lấy lại nhịp sống tràn trề của mình.
Ngay tại trung tâm hồi sức Covid-19 của chúng tôi, lượng bệnh vào đã giảm rõ và ít hơn số người được xuất viện. Trong tuần này, có ngày TP cũng đã có con số tử vong thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
Bóng ma của đại dịch dường như đã dần xa TP nghĩa tình này. Một niềm hân hoan không thể tả đối với những người đã đi qua tâm bão Covid-19.
Tuy vậy, để Covid-19 thực sự không còn là nỗi ám ảnh, một mối nguy cơ đối với người dân TP thì chúng ta nhất định không được có tâm lý chủ quan, xem nhẹ; nhất là sau khi đã nhiễm hoặc đã được tiêm ngừa 2 hay 3 mũi vắc xin. Với mỗi cá nhân, để có miễn dịch thì cần phải chích vắc xin nhắc lại. Tương tự, để nâng cao sức khỏe của TP trước khả năng tái lập của dịch, chúng ta cũng cần có những biện pháp bảo vệ. Bảo vệ sức khỏe của mỗi người chính là bảo vệ sức khỏe của TP và ngược lại.
Cần phải thành thật với nhau rằng: Đại dịch chưa qua hẳn và nguy cơ quay lại vẫn còn đó với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Dịch sẽ tăng lên nếu chúng ta tỏ ra coi thường, xem nhẹ. TP đã nỗ lực tiêm ngừa mũi 3 cho nhân dân. Ngành y tế cũng đã có một chiến lược hết sức táo bạo và quan trọng là bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Đó là những người lớn tuổi, mốc hiện nay là trên 65 tuổi và những người có bệnh nền mạn tính đặc biệt là béo phì, đái tháo đường, bệnh thận, tim mạch. Phủ vắc xin cho nhóm nguy cơ này, chắc chắn tỷ lệ tử vong do dịch sẽ giảm xuống.
Bảo vệ nhóm nguy cơ còn có nghĩa là phải điều trị tối ưu các bệnh nền đang có. Trong đợt dịch vừa qua, có rất nhiều người bệnh tử vong là vì bệnh nền không được điều trị. Chính bệnh nền này làm tăng nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19. Một bệnh nền nếu không được kiểm soát tốt sẽ nhanh chóng nguy kịch khi mắc Covid-19, ngay cả khi bệnh này không nặng nề. Việc điều trị bệnh nền cũng quan trọng không kém việc tiêm vắc xin.
Cho dù được tiêm vắc xin và được điều trị bệnh nền tốt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao này vẫn là nhóm dễ bị tổn thương bởi Covid-19. Chính vì vậy, người thân trong gia đình phải hết sức cẩn trọng trong sinh hoạt của mình. Nếu đã có nguy cơ nhiễm bệnh, ví dụ đi dự tiệc đông người, đi quán bar, đi công tác dài ngày có tiếp xúc nhiều, thì khi về không nên tiếp xúc với người già, người có bệnh nền ngay mà cần có một khoảng cách. Khi chắc chắn không mắc bệnh mới sinh hoạt bình thường trở lại.
TP đã trở lại nhịp sống bình thường. Đó là thành quả to lớn của những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và nhân dân trong suốt hơn nửa năm qua. Nhưng chúng ta cũng đã phải trả bằng một giá rất đắt cả về nhân mạng lẫn kinh tế. Hãy nâng niu thành quả quý báu đó. Hãy vững tin đi vào cuộc sống bình thường mới bằng những bước chân kiên định và ý thức.
PGS-TS Lê Minh Khôi
(Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)