Thời sự - Bình luận

Xử lý nghiêm phương tiện vận tải "né" luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô; trong đó, yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có camera ghi lại hình ảnh trên xe đối với xe khách trên 9 chỗ và xe công-ten-nơ, xe đầu kéo.

 

Ảnh minh họa. Ảnh: THÀNH ĐẠT



Sau ngày 31/12/2021, các phương tiện bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; mức phạt tiền từ năm đến sáu triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ một đến ba tháng đối với phương tiện vi phạm.

Thiết bị giám sát hành trình rất cần đối với sự an toàn của phương tiện với những tính năng cảnh báo, hỗ trợ lái xe hạn chế thấp nhất những vụ va chạm cũng như giúp cơ quan quản lý theo dõi, giám sát hoạt động vận tải. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, mặc dù đã có hơn 100 triệu phương tiện kinh doanh vận tải thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình, song vẫn còn nhiều phương tiện chưa thực hiện lắp theo quy định.

Mới đây, trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bắc Ninh, lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra, đã phát hiện xe công-ten-nơ BKS 51C-668.03 kéo rơ-moóc 51R-139.92 có dấu hiệu chưa lắp đặt camera giám sát hành trình. Khi bị kiểm tra, lái xe mới lấy camera giám sát trong cốp đựng đồ gắn lên kính chắn gió, không hề có dây nối vào nguồn. Trên mạng xã hội đã xuất hiện các hội, nhóm tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia chống đối chủ trương lắp đặt camera giám sát hành trình trên phương tiện, một số lái xe còn chia sẻ những cách "lách, né" vi phạm qua việc dán giấy bìa, băng dán tối mầu vào camera, hoặc lắp công tắc nguồn để "khi nào bị kiểm tra mới bật" thậm chí tháo hẳn dây nguồn, ngăn việc ghi và truyền hình ảnh về trung tâm xử lý hình ảnh của cơ quan quản lý.

Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải của người dân có xu hướng tăng cao, nhất là khi các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường sau thời gian phòng, chống dịch. Trước tình trạng "né, lách luật" tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô-tô kinh doanh vận tải, bảo đảm kết nối, sử dụng chung cho các cơ quan chức năng; hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải địa phương quản lý, xử lý thông qua dữ liệu từ các thiết bị này, đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô.

Các cơ quan chức năng địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, rà soát, kiểm tra đơn vị kinh doanh vận tải chưa lắp đặt camera cho phương tiện kinh doanh vận tải; kiểm tra phương tiện tại các bến xe, sân bay, ga đường sắt, bến tàu, trạm dừng nghỉ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô và mạnh tay xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình camera lắp trên xe ô-tô kinh doanh,...

Theo XÍCH TÙNG  (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm