Thời sự - Bình luận

Ý thức phòng chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo của cơ quan phụ trách y tế tại TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay TP.HCM có 8.330 ca sốt xuất huyết và 2.844 ca tay chân miệng. Tuy số ca tuyệt đối chưa cao hơn cùng kỳ năm 2022, nhưng các dữ liệu cơ quan quản lý thông tin cho thấy 2 loại dịch bệnh này đang rất báo động.

Cả hai loại dịch bệnh này không mới, nhưng cứ đến mùa cao điểm, cơ quan chức năng lại phải đi nhắc nhở người dân. Từ thực tiễn dịch bệnh đến phòng chống dịch bệnh cho thấy có tình trạng lơ là, cả chủ quan lẫn khách quan.

Thử đi tới các khu vực ngoại thành, thậm chí một số khu vực nội thành, không khó để thấy các vật chứa nước có lăng quăng muỗi sốt xuất huyết tồn tại khắp nơi nhưng không được ai dọn dẹp; cũng như nhiều người quên mất vệ sinh cá nhân, gia đình phòng bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, 2 loại dịch bệnh trên lưu hành gần như quanh năm, việc chống dịch thời vụ ắt hẳn cũng phải trong kế hoạch thường xuyên, phải là nhiệm vụ quanh năm của cơ quan quản lý địa phương, y tế chứ không phải đợi đến "chiến dịch".

Kinh nghiệm cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát, nếu báo chí không đưa tin và cơ quan quản lý không cảnh báo thì nhiều người dân không quan tâm. Nhiều người vẫn nghĩ dịch bệnh không bao giờ đến với mình, gia đình mình, cho đến khi gặp biến cố thì hối tiếc thốt lên 2 chữ "giá mà".

Giá mà người dân, học sinh được tham quan các bệnh viện, xem cảnh bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng nặng và nhẹ nằm tràn lan, quá tải để "biết sợ". Giá mà cơ quan quản lý chủ động dự trù thuốc men đầy đủ, chuẩn bị các tình huống điều trị tốt thì có thể sẽ giảm gánh nặng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong...

Chống dịch không phải chuyện của riêng một ai. Do đó, ý thức trách nhiệm cần được nâng cao bằng chính sách, bằng giáo dục, và cả chế tài khi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm