Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Người Rơ Măm đổi đời nhờ cây cao su

Người Rơ Măm là một trong trong 5 dân tộc đặc biệt ít người của nước ta, sống tại làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Giờ đây, cuộc sống của người Rơ Măm đã có nhiều đổi thay nhờ cây cao su.

Đã nghe kể nhiều về người dân làng Le (xã Mô Rai), tôi có ý định lên tìm hiểu cuộc sống nơi đây. Một ngày cuối tháng 6, Thượng tá Nguyễn Xuân Chung-Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15), gọi điện bảo, anh lên thăm bà con Rơ Măm không, tối nay em lên đơn vị. Lên Mô Rai phải ở lại buổi tối mới cảm nhận được không khí nơi miền biên viễn và cuộc sống hối hả của người Rơ Măm anh ạ”… Thế là tôi vội vàng chuẩn bị lên đường, đến với bà con Rơ Măm.

Đường từ TP. Pleiku lên Mô Rai gần 150km, chiếc xe của chúng tôi len lỏi trên những cung đường biên giới, dưới ánh đèn xe, những cánh rừng cao su hiện lên rồi khuất dần trong bóng tối. Hơn 3 giờ đồng hồ xe chuyển bánh, chúng tôi có mặt tại Mô Rai lúc 22 giờ đêm. Mô Rai đón chúng tôi bằng một cơn mưa tầm tã. Trong căn nhà sàn được xây dựng kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, già làng A Ren bỏ thêm ít củi khói hồng bếp lửa. Là người am hiểu cuộc sống của dân tộc mình, ông chậm rãi: Trước đây, người Rơ Măm mình sống du canh, du cư, đi theo từng cánh rừng, đàn thú. Ngày đó, đói khổ lắm, cái ăn thiếu, cái mặc cũng thiếu, đặc biệt là đau ốm, bệnh tật… Cuộc sống có lẽ sẽ cơ cực mãi nếu không có các chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ đội Binh đoàn 15. Già A Ren kể cho chúng tôi về một thời ăn rừng, ở núi, chuyện vận động dân làng về định cư… Đêm càng về khuya câu chuyện càng nồng, nhưng cán bộ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 đi cùng ra dấu chia tay già A Ren và hẹn ngày mai gặp lại.

Thượng tá Nguyễn Xuân Chung chia sẻ: Người Rơ Măm trước đây vốn sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray trên đỉnh núi Pông Jăng Sứt, hay dọc hai bên sông Tri và sông Sa Thầy. Giống như nhiều dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, đời sống của người Rơ Măm hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, sống biệt lập với các cộng đồng dân cư khác. Năm 1999, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 được thành lập, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, do đường sá cách trở, cứ 6 tháng mùa mưa thì biệt lập với bên ngoài, đơn vị phải dự trữ lương thực để đảm bảo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, chúng tôi vừa tích cực khai hoang trồng cao su, vừa ổn định dân cư. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa người dân Rơ Măm từ trong rừng ra lập làng để định cư. Các đội công tác của đơn vị được cử lên rừng tuyên truyền, vận động người dân trở về, vừa cải tạo đất giúp người dân trồng lúa nước, cao su.

Đêm ở Mô Ray tôi không thể nào chợp mắt vì cứ lởn vởn trong đầu những câu chuyện mà các cán bộ của đơn vị kể về cách vận động bà con định cư, vào làm công nhân rồi hướng dẫn họ trồng cao su tiểu điền. Và đặc biệt, dân làng không chỉ làm công nhân mà 100% hộ gia đình trong làng Le có cao su tiểu điền làm tôi cứ suy nghĩ miên man. Khi những con gà trong làng vừa cất tiếng gáy, cũng là lúc tiếng người í ới những công nhân người Rơ Măm trong làng gọi nhau ra vườn cạo mủ cao su. Xuyên qua màn đêm tĩnh mịch là những ánh đèn pin thấp thoáng sau những cánh rừng cao su đen sẫm khi màn đêm còn vương.

Chị Y Bỉ làm công nhân của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 hơn 10 năm nay. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu thợ khai thác mủ cao su giỏi. Nói về quá trình làm thợ khai thác mủ cao su của mình, chị cười:

Không chỉ Y Bỉ mà hiện nay, làng Le có 43 người làm công nhân cạo mủ cho Đoàn 78, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người. Thượng tá Nguyễn Xuân Chung chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của người Rơ Măm khốn khó lắm. Với nhiệm vụ quân sự, chính trị và phát triển kinh tế, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, chúng tôi đã khai hoang trồng cao su. Khi cao su phủ xanh đất trống, công việc tiếp theo là vận động người dân về làng. Việc này gian khó vô cùng vì người Rơ Măm quen phụ thuộc vào rừng nên để đưa họ về, làm quen với việc sống gắn bó mỗi ngày ngay tại ngôi nhà mình cũng không phải chuyện dễ. Sau đó là dạy họ cách làm lúa nước, cách làm rẫy, trồng cây cao su.

Người dân Rơ Măm đi thu hoạch mủ cao su.


Từ cuộc sống lệ thuộc, bỏ làng vào rừng tìm kiếm cái ăn thì nay người Rơ Măm đã định cư và ổn định. Trước đây là giáo viên công tác tại Mô Rai, hơn ai hết, ông Phạm Xuân Thắng-Chủ tịch UBND xã Mô Rai hiểu được sự gian truân, vất vả trên hành trình tìm con chữ của các em học sinh làng Le. Ông Thắng chia sẻ:

Khi nói về sự đổi thay của quê hương mình, già làng A Ren cười vang: Làng mình giờ không chỉ biết trồng lúa nước, trồng hoa màu mà mỗi gia đình đều có cao su tiểu điền, nhà ít thì 1 ha, nhà nhiều thì 10 ha. Cuộc sống khác xưa lắm rồi, làng mình giờ có hơn 10 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,5%. Đây là một con số mà nhiều địa phương phải mơ ước, huống gì làng Le là đồng bào dân tộc thiểu số ít người lại sống nơi vùng biên giới.

Người dân Rơ Măm tổ chức lễ hội.

Lên làng Le, chúng tôi nghe kể nhiều câu chuyện về sự học, về khát vọng đổi thay của người dân Rơ Măm nơi đây. Trước đây, người dân Rơ Măm sống du canh, du cư, không có nơi ở ổn định nên trẻ em không được đến trường, đa phần người dân Rơ Măm mù chữ. Nhưng giờ đây, nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người Rơ Măm đã khác xa, trẻ em trong làng đều được đến trường, trạm y tế, trường học, cơ sở hạ tầng được xây dựng, bộ mặt của vùng nông thôn nơi miền biên viễn thêm phần khởi sắc.

A Thái-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Le là một minh chứng, vừa tròn 29 tuổi anh đã trở thành Đại biểu HĐND tỉnh Kom Tum nhiệm kỳ 2021-2026. Anh chính là cánh chim đầu đàn dẫn dắt người Rơ Măm trồng cao su và phát triển kinh tế, khơi dậy khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, A Thái cười-nụ cười của chàng trai trẻ với nhiều hoài bão mang đến cho những người xung quanh cảm giác thân quen. Anh cho biết: Làng Le có 177 hộ, với 577 nhân khẩu, đa phần là người Rơ Măm. Lúc đầu vận động được người dân bỏ rừng về làng ổn định cuộc sống là một điều khó khăn, tuy nhiên làm sao để họ có cuộc sống ấm no mới là việc cần làm.

A Thái nói về sự giúp đỡ của Đoàn 78 với người dân Rơ Măm.

Không chỉ tuyên truyền, vận động mà A Thái là một người đi đầu trong việc trồng cao su tiểu điền. “Mình được học hành đầy đủ, nếu không tiên phong làm trước thì bà con sẽ không tin. Thế là mình bắt đầu trồng cao su trên diện tích của gia đình, cũng may vợ của mình là cô giáo mầm non luôn tin tưởng, ủng hộ. Nhờ đó, đến nay gia đình tôi sở hữu 9,5 ha cao su, 4 ha điều, 1,5 ha sầu riêng và 4 ha mì. Sau khi thấy cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao thì mọi người cùng làm, giờ đây diện tích cao su tiểu điền của làng là hơn 300 ha. Nhiều hộ trở thành tỷ phú cao su như A Dói, A Kinh… Số người trong làng có thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng chiếm 30%.

Khát vọng vươn lên của “ông hội đồng” tuổi 32 đã làm động lực để những đứa trẻ người Rơ Măm vươn lên trong cuộc sống. Đến Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, tôi được nghe kể câu chuyện về A Vác-cô gái trẻ người Rơ Măm, quyết tâm rời làng tìm kiến thức để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau khi tốt nghiệp THPT, khác với những bạn cùng trang lứa chọn ở lại quê, A Vác đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Kom Tum vào năm 2016. Thời điểm đó, chị là một trong những “của hiếm” của đồng bào Rơ Măm có trình độ cao đẳng, đại học.

Chị cho biết, làng mình đã có nhiều đổi thay, nhưng chị muốn cuộc sống tốt hơn nữa nên phải học lên để biết thêm nhiều kiến thức.

Trong suốt hành trình theo chúng tôi đến thăm người dân Rơ Măm, chị Lê Thị Hồng-Nhân viên Phòng Chính trị Đoàn 78 kể cho nghe nhiều câu chuyện về cuộc sống của người dân làng Le. Đó là chuyện về đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Rơ Măm dệt vải đẹp có tiếng trong vùng, chuyện những ngư phủ đánh cá giỏi trên sông Sa Thầy. “Người Rơ Măm sáng dạ và chịu khó lắm anh ạ. Chỉ cần hướng dẫn vài lần là bà con nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su. Anh thấy đó, vạt rừng cao su trước mắt là cao su tiểu điền của người dân trong làng đó. Cuộc sống của bà con thay đổi từng ngày chúng tôi cũng mừng lắm”-chị Hồng chia sẻ.

Làng Le nép mình bên dòng sông Sa Thầy, nơi hội tụ của cộng đồng dân cư người Rơ Măm, nếu không tìm hiểu, nhìn bên ngoài nhiều người sẽ không biết đó là nơi cư ngụ của một trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Chia tay làng Le khi nắng trưa đã đứng bóng, tiếng cười nói, bi bô đùa vui của con trẻ, tiếng người trò chuyện về hôm nay thu hoạch được bao nhiêu mủ, bán được nhiêu tiền cứ vang lên làm cho ngôi làng nơi miền biên viễn này thêm phần ấm áp. Và tôi nhớ như in câu nói của A Thái: “Người Rơ Măm biết ơn Đảng, Bác Hồ nhiều lắm, chính vì thế, trong mỗi ngôi nhà của người dân đều có treo ảnh Bác, vừa thể hiện sự tôn kính, vừa ghi nhớ công ơn vì đã cho người dân Rơ Măm có cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay”.

Có thể bạn quan tâm