Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bàn, nhất trí thông qua nghị quyết về việc nâng số giờ làm thêm của người lao động trong một tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ.
Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. (Ảnh Đăng Duy) |
Tương ứng, các doanh nghiệp được áp dụng thời gian làm thêm tối đa trong một năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%). Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4. Riêng quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm đã có hiệu lực thi hành từ ngày đầu năm nay. Đây được xem là giải pháp nhằm thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra trong hơn 2 năm qua.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hơn 2 năm qua đã có khoảng 90% doanh nghiệp buộc cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Do đó, việc tăng thêm giờ làm được thông qua đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Bởi việc bị gián đoạn sản xuất, kinh doanh vì dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc rơi vào tình thế rất khó khăn do chi phí tăng cao khiến nhiều đơn hàng không sản xuất kịp và giao theo đúng tiến độ cam kết.
Chính vì vậy, điều chỉnh thời giờ làm thêm là giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm bù đắp năng suất, sản lượng thiếu hụt trong thời gian dịch bệnh, kịp tiến độ đơn hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Về phía người lao động, làm thêm giờ cũng là cách tốt để cải thiện thu nhập, nhất là đối với những lao động đang gặp khó khăn do nghỉ việc thời gian dài vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia về lao động vẫn thật băn khoăn với việc tăng giờ làm thêm vì cho rằng, các doanh nghiệp sẽ “vắt kiệt” sức lao động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, khiến chủ doanh nghiệp khó có thể tăng lương làm thêm cho người lao động tương ứng. Do đó, việc tăng giờ làm chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn để các doanh nghiệp dồn sức, dồn người, tăng ca hoàn thành các đơn hàng đang ùn ứ.
Bởi xét về lâu dài, xu thế chung phải “kéo” số giờ làm việc giảm xuống. Doanh nghiệp muốn tăng năng suất thì phải cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích. Bởi chắc chắn có nhiều công nhân sẽ cố gắng làm thêm giờ dẫn đến tình trạng suy kiệt về sức khỏe, giảm sút năng suất lao động, khi đó chất lượng sản phẩm không bảo đảm, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Do đó, các cơ quan, đoàn thể đại diện cho người lao động cần theo dõi, giám sát để tránh dẫn đến các hệ lụy khi chủ trương tăng giờ làm thêm bị các doanh nghiệp lợi dụng gây bất lợi, thiệt thòi cho người lao động như: không tuyển mới lao động, tăng giờ làm liên tục, buộc phải tăng ca khi doanh nghiệp có yêu cầu (Luật Lao động quy định),... Cần đưa ra các quy định cụ thể hơn về thực hiện quyền lợi, chế độ cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động khi tăng giờ làm. Bảo đảm người lao động được hưởng đủ các quyền lợi, có thời gian được nghỉ bù để tái tạo sức lao động, có chế độ bồi dưỡng giữa ca, chế độ bồi dưỡng độc hại, chế độ khám sức khỏe định kỳ. Cùng với tăng giờ làm thêm, cần có những quy định về trả lương giờ làm thêm một cách phù hợp và thỏa đáng với người lao động.
Theo THẢO CHI (NDĐT)