Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bí mật của khu rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi biết mình không có một quyền năng nào để hiểu được bí mật của một khu rừng nhưng thâm tâm luôn nghĩ về điều đó.

Ẩn trong hình vóc của tầng tầng lớp lớp cây lá phủ xanh là gì đây? Những sống động thanh âm của loài chim lạ, một giấc ngủ vùi của nhành hoa hay đó chỉ là những giăng mắc tơ vương của bờ sương lạnh? Rừng cũng như vạn vật giữa trời đất này, hẳn đều ôm bí mật của riêng chúng mà sống với tháng năm.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nếu chỉ định nghĩa mộc mạc về rừng bằng câu hát “có một cây là có rừng” thì bao quanh nơi tôi sống là những khu rừng nhỏ. Nhớ những chiều từ trường trở về ngôi nhà trong xóm vắng, ngang qua cánh rừng và những trảng cỏ ven hồ, tôi thấy mặt trời đỏ lựng đỗ bến xuống chân trời xa thẳm, hắt những tia sáng rực qua vòm cây thưa. Nhất là vào mùa khô, rừng chiều ánh lên từng mảng lớn. Tôi thường gọi đó là thứ ánh sáng vội vã vì từ tháng 10 trở đi là ngày vào đêm rất nhanh.

Nhưng bây giờ, núi đồi đang cữ mưa dầm, khu rừng nhỏ bỗng xanh và mịt mùng hơn. Thật đúng là “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Cái lạnh lẽo giữa kỳ nghỉ hè chắc chỉ có mảnh đất hai mùa mưa nắng mới hiểu được. Thỉnh thoảng có việc, tôi đi đi về về trên con đường rừng gió nấc từng cơn ấy, vừa cố chạy thật nhanh để tránh một cơn mưa lớn vừa nghĩ về bí mật của một khu rừng.

Từ những hạt mầm, cây cối dần cao vút lên. Hẳn là cánh rừng nhỏ của tôi cũng bắt đầu như thế. Nhiều khi tôi không hiểu nổi mình, đã sẵn mang một niềm trống trải mà lại thích đi tìm cái mênh mông vô định của rừng đồi. Có lẽ vì những ngày chưa thể đi đâu xa hơn, trong khi chỉ vài bước chân ra khỏi cổng là nghe được tiếng thở của lá cành.

Một cánh rừng có thể trông ra con đường nhựa, ngôi làng, như thể nó chưa bao giờ muốn ngăn cách với phố đông, nhưng cái tĩnh mịch thì rừng một đời riêng mang, lúc đặc sánh lúc tan ra, không lẫn vào đâu được.

Tôi thích nhìn một cánh rừng ngay khi cơn mưa vừa dứt. Đã bớt mịt mùng, thâm u, khí trời tinh sạch lẫn vào cây rừng như cứu rỗi tâm hồn con người. Tôi tưởng tượng đến cảnh mình có mặt giữa rừng lúc ấy, với bàn gỗ và một chiếc ghế tựa, một tấm giấy mỏng-loại người ta vẫn thường dùng để biên thư. Thêm một cái gì hệt như gờ cửa sổ. Tôi ngồi đó, viết và viết. Như thể trong thời khắc ấy, cuộc sống mới thực sự bắt đầu. Tôi cũng không biết có phải chỉ trong sự tĩnh lặng hoàn toàn thì con người ta mới có thể bắt đầu một việc gì đó hay không.

Cũng là cây, là gió nhưng chẳng có một khu rừng nào giống hệt khu rừng nào cả. Bằng cái màu xanh không đơn điệu, rừng tự nó là niềm thương mến với những người sống giữa núi đồi, ít nhất là đối với tôi. Ngày đẫm mưa, rừng không ánh lên vẻ hân hoan nhưng đủ khiến ta cảm thấy dễ chịu mà không cần phải cố gắng để hòa hợp.

Con người mình từ hình hài cha mẹ ban cho, lớn lên gắn với nhiều bổn phận, đôi khi phải sống gò theo những chiều kích của cuộc đời mà đâu phải lúc nào cũng dễ dàng hòa hợp với môi trường mà mình có mặt. Chính bởi vậy mà lòng ta tự nhiên muốn hé mở khi gần gụi với thiên nhiên. Dù giữa thinh không, ta gần như không nắm bắt được gì và cũng chẳng cố nắm giữ điều gì.

Tôi đã nghe và luôn tin vào nghị lực của một khu rừng. Như cánh rừng thông nơi tôi sống luôn thẳng ngời những thân cây. Tôi nhìn thấy sức sống ở đó và niềm hy vọng cũng khởi dâng từ đó. Bao nhiêu mưa giông chớp giật nhưng từng thân cây vẫn sừng sững, không thách thức mà cũng không hờn dỗi đất trời. Vạn vật trên đời đều có cách để tự trưởng thành. Như quả ổi non xanh trên cành phải chịu những cái bấm tinh nghịch của bọn trẻ để lớn lên và lặng lẽ chín.

Rừng cũng vậy! Cái im lắng triền miên ấy chính là sự sống cao quý nhất mà tôi có thể thấy được ở một khu rừng. Không cây nào cố giành giật sự sống của cây nào. Chỉ là, mỗi cây sẽ tự định đoạt mình bằng sức mạnh tự thân. Dù nắng cỗi hay mưa dầm, ấm áp hay lạnh lẽo thì những thân cây vẫn gần nhau, quyết không xô đẩy, chen lấn nhau. Và tôi cũng tin rằng, đứng giữa một cánh rừng như thế, con người ta cũng không còn bận lòng đến chuyện phải tìm cách để bảo vệ mình nữa.

Một khu rừng không thể khiến cho ai trở nên hoang dại ngay cả khi ta đã mệt nhoài với những sắp đặt của cuộc sống văn minh. Những ngày gần như không có một ý tưởng gì mới mẻ trong đầu, tôi lại nghĩ đến rừng và muốn đi về hướng đó, như nghe ai nói vẳng bên tai, nhắc đi nhắc lại câu nói: “Ngay khi có thể, hãy đi vào rừng”. Những ngày qua, phố núi chìm trong mưa, gió nấc từng cơn. Đó cũng là những ngày mà tôi sống chậm rãi, không kế hoạch, không lịch trình và cũng không có việc làm nào câu thúc.

Tôi không giỏi làm bánh, cắm hoa hay đan len nên thành ra ngày dài thêm. Câu hỏi về bí mật của một khu rừng vẫn luôn có cớ để thường trực thêm. Mãi mãi, tôi không thể biết. Cũng như sẽ không bao giờ biết được bí mật của một trái tim. Hẳn vì thế mà một nhà thơ từng viết: “Cây nói bằng im lặng/người nói bằng niềm riêng”.

Có thể bạn quan tâm