Thời sự - Bình luận

Cải cách tạo động lực phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quốc hội bước vào kỳ họp cuối năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều dấu ấn nổi bật. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; thu ngân sách nhà nước ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm 2022 và cả năm 2023, chúng ta sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế và an ninh - chính trị thế giới, có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.

Để duy trì và phát triển kinh tế bền vững, đủ sức ứng phó với những nguy cơ mới từ bên ngoài, yếu tố nền tảng quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thắt chặt chính sách tài khóa - tiền tệ hài hòa với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tối đa và điều hành lãi suất, tỉ giá ngoại tệ một cách linh hoạt. Cần lưu ý trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa, tiền tệ không thể nới lỏng hơn nữa mà cần ưu tiên mục tiêu số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh được coi là điểm cốt lõi để tạo động lực tăng trưởng chung cho nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh có ý nghĩa lớn trong việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước (FDI) đưa nguồn lực vào nền kinh tế; giúp họ an tâm, tin tưởng để đầu tư hơn; để ít nhất nền kinh tế không phải đối mặt với suy giảm đầu tư.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu, thu hút FDI, đầu tư công tiếp tục là những động lực quan trọng của nền kinh tế. Phải có giải pháp quyết liệt để có thể thực sự giải ngân được vốn đầu tư công, đặc biệt là ở những dự án quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo những thế mạnh xuất khẩu và thu hút vốn FDI đang giảm dần bởi nhiều yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới cũng như bên trong nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên, xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là những động lực cần thiết song không còn là động lực mạnh như trước.

Từ những phân tích trên, có thể thấy để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, phải trông vào trụ cột cải cách, nhất là những cải cách về phía cung, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng tiềm năng tăng trưởng bền vững. Dư địa của cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh còn nhiều trong khi Chính phủ hiện chưa khai thác hết.

Để cải cách hiệu quả, thực chất, cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực của các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong đó, chú trọng 10 nhiệm vụ trọng tâm như: Cắt giảm danh mục ngành nghề có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn; cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế gắn với cải cách trong nước...

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý
kinh tế Trung ương (CIEM) - Phương Nhung ghi

 

Có thể bạn quan tâm