Thời sự - Bình luận

Càng tranh luận, càng thấy cần có nhiều bộ sách giáo khoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước làn sóng chỉ trích về chất lượng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên sách này khẳng định: “Chúng tôi đã làm rất kỹ”.

Có thể tin rằng, nhóm biên soạn sách đã làm rất kỹ như GS Nguyễn Minh Thuyết nói, nhưng “làm rất kỹ” không có nghĩa là không có sai sót, làm rất kỹ không có nghĩa là hay. Cho nên, cần lắng nghe tiếng nói phản biện từ dư luận, đó mới là thái độ cầu thị và khách quan của người làm khoa học.

Về một số bài học cho rằng phản giáo dục, dạy cho trẻ em học cái xấu, cái ác, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, là nhóm biên soạn có “quan điểm riêng”.

Đúng là khi biên soạn sách, cần phải có quan điểm riêng, nhưng cho dù là riêng thì cũng phải đạt mục đích cao nhất là giáo dục, nhất là đối với trẻ vỡ lòng. Hãy lắng nghe những góp ý, phân tích từ những người góp ý có trách nhiệm, để xem xét lại công trình bằng cái nhìn khoa học.

Đánh giá về nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, TS Giáp Văn Dương nêu ý kiến: “Cách sử dụng từ ngữ, cách nói của các tác giả cũng đi thẳng vào sách giáo khoa vì cho rằng trẻ con nào cũng sẽ nói năng như vậy. Nhưng thực tế không phải vậy, vì vùng miền khác nhau, thời đại khác nhau, nên cách dùng từ của trẻ hiện nay sẽ rất khác so với cách dùng từ của các tác giả khi còn nhỏ trước kia”. Đây là một nhận định khá xác đáng.

Góp ý kiến, phản biện nội dung sách giáo khoa là cần thiết, và những tranh luận học thuật sẽ giúp cho sách giáo khoa ngày càng chất lượng hơn. Nhưng góp ý phải khách quan, có cơ sở, không nên nói lấy được. GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt khẳng định bài “Bốn cái làn” không có trong tất cả các sách giáo khoa lớp 1, nhưng cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh, gán cho sách giáo khoa.

GS Trần Đình Sử, GS Nguyễn Minh Thuyết đều nêu một vấn đề, đó là có những truyện được chia thành 2 phần, phải đọc hết hai phần mới nắm hết nội dung của truyện. Trên thực tế, đã có ý kiến phê phán, nhưng chỉ tách một phần của truyện, nên không khách quan. Nhiều người cũng không có điều kiện để thẩm định sách, chỉ nghe phê phán trên mạng xã hội và tin vào điều đó.

Qua những tranh luận liên quan đến nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, cho thấy rất cần có nhiều bộ sách giáo khoa. Bởi vì, chỉ có nhiều bộ sách mới có được nhiều giá trị để so sánh. Nhóm nào soạn sách hay, có chất lượng học thuật cao, thì sách được thị trường chấp nhận.

Độc quyền biên soạn sách giáo khoa hoặc chỉ mở cửa cho thêm một bộ sách thì chưa đủ không gian cho tự do sáng tạo.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cang-tranh-luan-cang-thay-can-co-nhieu-bo-sach-giao-khoa-844074.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm