Biển đảo Việt Nam

Nơi chúng tôi đến là Quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ là những người lính tuổi 18 đôi mươi lần đầu tiên rời đất liền ra quần Đảo Trường Sa làm nhiệm vụ, có nhiều người chưa quen với sóng gió biển khơi nên say sóng. Nhưng khi tỉnh lại trong bộ quân phục người lính hải quân trông họ uy nghiêm và chững chạc, đôi mắt sáng hướng ra biển khơi với khí thế của những người lính bảo vệ biên cương, bờ cõi của Tổ quốc

Chào nhé, chúng tôi ra Trường Sa!
 

Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong tiếng gió, tiếng sóng, những bước chân nhanh hơn về phía Quân cảng Cam Ranh, tất cả như vội vàng giục giã những cuộc tiễn đưa đoàn công tác ra Trường Sa. Bốn con tàu HQ996, HQ561, HQ571, HQ936, chở theo nhu yếu phẩm, lương thực, cùng với chiến sĩ, các sĩ quan ra thăm chúc Tết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và thay quân năm 2015, cùng đi còn có 85 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước. Những cuộc chia tay bịn rịn, những vòng tay xiết chặt, những nụ hôn nồng cháy và lời hò hẹn đầy cảm xúc đã diễn ra tại cầu cảng trước giờ xuất quân. Những tiếng nói to: “Đi mạnh khỏe nhé, hải lộ bình an”; “nhớ gọi điện về nghe con” hay “anh nhớ hoàn thành nhiệm vụ em chờ”… và những tiếng đáp lại “Chào nhé, chúng tôi ra Trường Sa, hẹn gặp lại” vang lên làm cho không khí chiều cuối năm nơi quân cảng càng ấm nồng, xua đi cái gió Đông Bắc se se lạnh chiều cuối năm…

Đứng bên cạnh cầu tàu HQ 561, chị Nguyễn Thị Thủy (42 tuổi, Cam Ranh, Khánh Hòa) bịn rịn hôn lên má cậu con trai Lã Tuấn Minh năm nay tròn 19 tuổi trước khi xuống tàu. Đã nhiều lần tiễn chồng cũng là chiến sĩ hải quân đang công tác tại Vùng 4 Hải quân lên tàu ra làm nhiệm vụ ở đảo nhưng chị Thủy cũng không kiềm được xúc động: “Đây là lần đầu tiên con trai đón Tết xa nhà, vừa yên tâm vừa lo lắng. Yên tâm vì cháu có bố là lính Trường Sa nên tình yêu biển đảo được nhen nhóm từ bé. Nhưng cũng lo lắng bởi từ trước ở nhà có gì khó thì bố mẹ giúp, giờ ra đảo phải tự lập sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng tôi tin cháu sẽ sớm vượt qua”. Đứng trên cầu tàu Tuấn Minh nói vọng lại: “mẹ yên tâm, ra đảo con sẽ gọi về. Con sẽ cố gắng rèn luyện, công tác tốt…”. Chị Thủy vội quay mặt, gạt những giọt nước mắt chảy trên gò má.  Trong đôi mắt của người phụ nữ đã bao lần tiễn người thân lên đường ra đảo ánh lên những yêu thương, niềm tin và cả sự hy sinh thầm lặng để chồng con mình yên tâm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tàu HQ 936 hú ba hồi còi chào Quân cảng Cam Ranh, chào đất liền, chào những người thân và đồng đội rẽ sóng dẫn đầu đoàn hướng đến Trường Sa. Lúc này hình bóng những người mẹ, những người chị, người vợ, con thơ và đất liền  khuất dần, trên khuôn mặt các chiến sĩ mới hiện lên chút buồn. Thế nhưng, khi cuối boong tàu vang lên giai điệu bài hát “Gần lắm Trường Sa”, lời bài hát như thúc giục những chàng lính trẻ vững vàng hơn với song gió biển khơi, Trường Sa nơi họ đến vẫn rất gần với đất liền, nụ cười lại sáng rực trên môi. Họ bắt đầu hát những bài hát về biển đảo tổ quốc về Trường Sa...

 

Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Những người lính lần đầu tiên ra đảo
    
Theo  tàu HQ 936 hai ngày đêm lênh đênh trên biển cùng với biết bao sóng gió, gian khổ, tôi đã có dịp tiếp xúc với những người lính trẻ lần đầu tiên ra đảo Trường Sa. Mỗi chàng lính trẻ dù đến từ những vùng quê khác nhau nhưng đều có chung một ý chí quyết tâm sắt đá thà hy sinh tất cả, quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo và chủ quyền của Tổ quốc. Với khuôn mặt thư sinh, nước da trắng, chàng trai Lê Đình Đông quê huyện Thanh Oai, Hà Nội, chia sẻ: “Em làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và tình nguyện vào lính Hải quân để hy vọng được ra bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của tổ quốc. Thật may mắn lần này em được phân công  ra đảo Cô Lin để nhận nhiệm vụ. Biết sẽ khó khăn, gian khổ nhưng chắc chắn em và các đồng đội sẽ vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của đất liền đã gửi gắm”. Đông còn tâm sự cho chúng tôi nghe bạn bè cùng trang lứa nhiều người cũng ước mong được tham gia bộ đội Hải quân nhưng có lẽ em là người may mắn khi được giao trọng trách này.    
    
Trên chuyến hành trình ra đảo lần này thời tiết không thuận lợi, nhiều hôm sóng to, gió lớn, thế nhưng cũng có những lúc trăng sáng, sóng yên biển lặng, bầu trời trong xanh vời vợi chúng tôi lại mang cà phê, trà đặc sản của Tây Nguyên lên boong tàu cùng tâm sự với các chiến sĩ mới. Chút bỡ ngỡ ban đầu nhanh qua vì ai cũng hiểu rằng chỉ ít thời gian nữa thôi sẽ chia tay nhau mỗi người nhận một nhiệm vụ mới khó gặp lại nhau trong thời gian ngắn. Cậu chuyện trở nên sôi nổi hơn, quyện chặt và hương cà phê hương trà và vị mặn mòi của  biển.

Trung sĩ Trần Văn Hiếu quê ở Minh Hưng, Kiến Xương, Thái Bình có lẽ là người đã khá dày dặn kinh nghiệm khi đã ở trong quân ngũ thời gian  dài hơn so với những chiến sĩ ra đảo đợt này, Hiếu đã học qua lớp A trưởng lần này được phân công ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá lớn. Nhấp ngụm cà phê em kể: Khi nhận quyết định ra đảo làm nhiệm vụ em cũng hồi hộp lắm, nhưng được cán bộ chỉ huy động viên, bố mẹ anh ủi nên em cũng yên tâm lên đường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng chung tâm sự với Hiếu là chàng trai Nguyễn Trọng Chương đến từ vùng đất Bình Sơn, Quảng Ngãi vốn đã quen với biển khơi nên Chương khá tự tin: “Quê em bao đời nay ông cha đã bám ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản, ở đó máu thịt của cha anh đã đổ xuống, đó cũng là biển trời của Tổ quốc ta, em vinh dự vì mình được ra làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn lớn, bảo vệ biển đảo thiêng liêng và bảo vệ sự bình yên cho các ngư dân đang khai thác thủy sản ở đây”- Nguyễn Trọng Chương tâm sự.
    
Chiều dần buông xuống, tiếng loa trên tàu thông báo, tàu đã đến đảo bỗng tất cả những người lính trên tàu đều chạy ra boong vẫy tay chào đảo tiền tiêu thân yêu của Tổ quốc. Phóng tầm mắt về đảo, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa mênh mông biển Đông làm chúng tôi vui mừng khôn xiết, nước mắt trào dâng một cảm xúc thiêng liêng. Đây Trường Sa!

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm