Biển đảo Việt Nam

Câu cá đêm ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong chuyến hải trình dài ngày ra thăm, chúc Tết quân và dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, câu cá đêm ở Trường Sa là một trong những thú vui giúp các thành viên đoàn công tác vơi đi nỗi nhớ nhà, sự mệt mỏi sau những ngày đánh vật với sóng gió mùa biển động và cũng là để cải thiện bữa ăn cho các thành viên trên tàu…
Các vùng biển thuộc đảo Đá Lớn, Sinh Tồn, Cô-Lin… được các thuyền viên hay ngư dân có kinh nghiệm truyền miệng nhau là vùng biển có nhiều loại hải sản quý giá như cá thu, cá ngừ, tôm hùm, bào ngư… Vì vậy, trong chuyến hải trình của đoàn công tác trên tàu Bệnh viện 561 đến thăm, chúc Tết các đảo này, các thuyền viên không thể bỏ lỡ cơ hội buông cần khi tàu neo đậu tại các ngư trường này.  
 Anh Chinh là một trong những cần thủ có nhiều kinh nghiệm câu cá đêm ở Trường Sa. Ảnh: Quang Tấn
Anh Chinh là một trong những cần thủ có nhiều kinh nghiệm câu cá đêm ở Trường Sa. Ảnh: Quang Tấn
Khoảng 18 giờ, khi màng đêm buông xuống cũng là lúc các thuyền viên, tổ phục vụ trên tàu bắt đầu buông cần để “câu lộc” của biển. Dàn điện phía sau boong tàu được thắp sáng để hút cá và cũng để bắt cá chuồn làm mồi câu. Không giống như ở đất liền, câu cá ở Trường Sa không dùng cần câu, phao câu mà chỉ cần một cuộn cước, một cái lưỡi câu và một cục chì nhỏ là có thể buông cần. Mồi câu chủ yếu được làm từ mực, lấy từ phần bụng của con cá, đặc biệt là những con cá chuồn còn sống được các thuyền viên dùng vợt để bắt khi cá bị say bởi ánh sáng của đèn điện. Theo lý giải của các thuyền viên có kinh nghiệm câu cá trên biển, những loại mồi câu này sẽ trắng sáng dưới ánh đèn điện chiếu từ bên mạn tàu xuống biển, rất dễ để dụ cá cắn câu. 
Móc lưỡi câu vào đầu con cá chuồn vừa vợt được, anh Ngô Văn Chinh-Thuyền viên tàu 561 vận sức buông câu ra xa biển xuống độ sâu chừng 40-50 m, rồi nhanh tay kéo cước để dụ cá cắn câu. Cứ như thế liên tục anh Chinh kéo vào rồi thả ra. Theo anh Chinh, câu cá ở Trường Sa có 2 cách câu là câu kéo, tức là mắc mồi vào lưỡi câu thả câu xuống độ sâu chừng 40-50 m rồi kéo lên để nhử cá cắn câu và câu ngâm (mắc mồi vào lưỡi câu buông cần ở độ sâu cả trăm mét rồi ngồi đợi cá cắn câu). Thường câu kéo thì dùng cước nhỏ hơn, chì cũng nhẹ hơn, còn câu chìm phải sử dụng cước to hơn, chì nặng hơn để có thể thả xuống độ sâu hơn (tùy vào dòng chảy của nước biển). 
Những hôm gặp luống cá thì anh em trên tàu có thể câu được cả tạ cá. Ảnh: Quang Tấn
Những hôm gặp luống cá thì anh em trên tàu có thể câu được cả tạ cá. Ảnh: Quang Tấn
“Khi tàu thực hiện nhiệm vụ trên các đảo, anh em chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ chuyên môn là hàng đầu, chỉ khi nào thực hiện xong nhiệm vụ mới dành thời gian để câu cá. Thường, anh em câu cá vào ban đêm, ban ngày khi nào sóng to anh em không thực hiện nhiệm vụ được thì mới thực hiện câu ngâm, vì câu ban đêm dễ thu hút được luồng cá khi bật đèn. Hôm nào hên gặp luồng cá thì anh em có thể câu được cả tạ cá, cá cắn câu chủ yếu là thu ngừ, thu bè nặng từ 5-10 kg, cá biệt có khi câu được con cá 20-30 kg. Việc câu cá ngoài mục đích thư giản sau những giờ làm việc căn thẳng còn nhằm mục đích cải thiện nguồn thức ăn trên tàu trong một chuyến hải trình dài ngày”-anh Chinh chia sẻ.
Anh Hoạt khoe chiến lợi phẩm của mình câu được. Ảnh: Quang Tấn
Anh Hoạt khoe chiến lợi phẩm của mình câu được. Ảnh: Quang Tấn
Nhiều thành viên trong đoàn công tác, nhất là các phòng viên báo, đài cũng tranh thủ mượn cần câu để thử vận may. Anh Nguyễn Văn Hoạt (Đài Phát thanh-Truyền hình Đak Nông) là một trong những người may mắn câu được lộc của biển khi lần đầu tiên anh được trải nghiệm thú câu cá đêm ở Trường Sa. “Được câu cá ở Trường Sa thật là thú vị. Đây là chuyến công tác khó quên đối với riêng cá nhân tôi. Bên cạnh lần đầu tiên được đặc chân đến nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi còn được trải nghiệm thú câu cá ở Trường Sa…”-anh Hoạt vui vẻ nói.
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm