(GLO)- Tôi vừa có chuyến công tác đặc biệt trong đời khi được theo tàu Trường Sa 571 của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân đi thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Và trong chuyến công tác này, câu chuyện đáng nhớ nhất với tôi là những chiếc bánh chưng gói được gói bằng lá bàng vuông.
Hải trình của chúng tôi bắt đầu từ Quân cảng Cam Ranh đến các tuyến đảo phía Bắc gồm: Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam, Song Tử Tây. Những ngày cận Tết, biển nhiều sóng gió, chúng tôi vẫn mong muốn được mang chút hơi ấm đất liền đến đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Vượt hàng trăm hải lý, chúng tôi đến đảo Sơn Ca. Trước đây, tôi chỉ biết hòn đảo xinh đẹp này qua hình ảnh trên báo chí, truyền hình. Giờ được đến tận nơi, sờ tay vào từng bờ kè chắn sóng, tựa lưng vào gốc bàng vuông cổ thụ, bắt tay và ôm chầm mừng rỡ từng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo, ngước nhìn cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong nắng gió biển khơi giữa những trưa đỏ nắng, bao xúc cảm trào dâng trong tôi. Tôi nghe từng nhịp trái tim mình đập nhanh, kết thành niềm xúc động thẳm sâu cùng những giọt nước mắt cay mặn bờ môi. Niềm xốn xang trong tim trong ngực mỗi chị em của đoàn công tác không chỉ lúc đặt chân lên cầu cảng vào đảo mà thậm chí còn trào dâng mãnh liệt hơn lúc chia tay tạm biệt đảo Sơn Ca để xuống ca nô về lại tàu tiếp tục hải trình.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca. Ảnh: H.T.H |
Tết của lính đảo không có hoa mai, hoa đào rực rỡ, không có hướng dương, hồng, thược dược, không những hẹn hò phố xá đèn màu hoa lệ. Nhưng ở đây Tết ấm áp tình đồng chí, đồng đội bên những cây quất từ đất liền vừa gửi ra, bên những hoa mai cắt bằng giấy thủ công, bằng hoa nhựa gắn lên cành cây khô tạo dáng tạo hình cho đỡ nhớ. Và có một thứ không thể thiếu là bánh chưng. Chúng tôi cùng gói bánh chưng với nhau, chỉ khác là không khí gói bánh chưng ở đây không có hình ảnh người mẹ, người chị lúi húi bên những rổ gạo, đậu, thịt heo, lá dong, lạt giang, khuôn gỗ…, không có tiếng ríu rít con trẻ. Ở đây chỉ có những người lính trẻ già quây quần, tóc xanh, tóc bạc bên nhau gói những chiếc bánh vuông vức để chút nữa xếp vào những chiếc nồi quân dụng to đùng rồi thay nhau chụm lửa.
Bánh chưng ở đảo, nguyên liệu để gói không khác gì ở đất liền cũng gồm: gạo nếp, thịt heo, đậu xanh nhưng những chiếc lá để gói thì thật đặc biệt: lá bàng vuông. Những chiếc lá bàng vuông già và to vừa độ được lựa cắt từ các tán cây đem xuống, luộc sơ cho đủ độ mềm, cắt góc vuông vức lót vào khuôn để gói bánh. Từ lâu rồi, người lính đảo đã nghĩ ra cách lấy lá bàng vuông thay lá dong, lá chuối gói bánh chưng. Ở những đảo có rặng dừa xanh mát như Nam Yết, Sơn Ca, các anh còn trang trí bánh bằng những chiếc lá dừa đan cài hình ô vuông xinh xắn. Trung tá Phạm Văn Điển-Phó Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca-chia sẻ trong niềm xúc động: “Năm nào Chỉ huy đảo cũng tổ chức cho các đơn vị thi gói bánh chưng để tạo không khí chào Xuân và để anh em đỡ nhớ nhà. Lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca bao năm qua không quản ngại gian khổ, vất vả, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng để bảo vệ vững chắc hòn đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc với phương châm “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Cuộc sống tuy còn vất vả, khó khăn, song tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân-dân luôn sắt son, bền chặt”.
“Cuộc sống tuy còn vất vả, khó khăn, song tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân-dân luôn sắt son, bền chặt”-Trung tá Phạm Văn Điển-Phó Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca-chia sẻ. |
Trong lúc cùng nhau trông nồi bánh chưng, Binh nhất Nguyễn Huỳnh Công Tước (quê ở TP. Hồ Chí Minh) hỏi tôi: “Em đố chị bánh chưng gói bằng lá bàng vuông có màu gì và ăn có vị gì?”. Tôi từng ăn bánh chưng gói bằng lá dong, lá chuối nhưng chưa bao giờ được ăn bánh chưng gói bằng lá bàng vuông nên không biết trả lời thế nào. Tước bảo: “Bánh có màu xanh đậm như rêu và có vị chát, vị mặn của biển chị ạ. Chị đợi ăn bữa cỗ Tết sáng mai xem có đúng như em nói không”. Tước kể, chuyến này sẽ ra quân và được về đất liền. Một năm trước, chàng trai đang theo học ngành Thanh nhạc tại TP. Hồ Chí Minh nghe theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Một năm ở đảo với bao vui buồn, rèn luyện, trưởng thành. Trong giờ phút chia tay đảo và đồng đội sắp đến, mắt Tước rưng rưng. Em tặng đồng đội cây guitar để những đêm sinh hoạt Đoàn họ sẽ thấy như còn có mình bên cạnh.
Ở đảo Sơn Ca, chúng tôi tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ có chủ đề “Xuân bên cột mốc chủ quyền” giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo với đoàn công tác. Dù hát không hay nhưng 7 chị em nữ của đoàn công tác cũng đã tập với nhau vài tiết mục để lên biểu diễn và giao lưu. Đã bao lần nghe những ca khúc: Chút thư tình người lính biển, Nơi đảo xa, Bâng khuâng Trường Sa, Hành khúc người chiến sĩ Trường Sa, Tổ quốc gọi tên mình… mà đêm nay, ở đây khi nghe những người lính Hải quân hát, tôi thấy bồi hồi xúc động vô cùng. Mỗi lần các anh em hát xong, chúng tôi chạy lên tặng hoa và ôm thật lâu, thật chặt vào lòng, nước mắt lại dâng trào. Còn khi chúng tôi hát xong, anh em chạy ùa lên tặng ốc biển, cành san hô, quả bàng vuông, hoa lá và những nụ cười vừa e thẹn vừa yêu mến. Chúng tôi chỉ muốn đêm dài mãi để được bên nhau trong gió biển, sóng biển, những lời hát, câu chuyện trao nhau biết bao ấm áp, thương yêu.
Vậy là, trong chuyến đi đặc biệt này, tôi được thưởng thức bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, da bánh có màu sẫm của rêu, bánh có vị hơi chát đắng của vị lá loài cây quanh năm căng mình chắn gió sóng bảo vệ đảo quê hương, có vị mặn của đại dương mênh mông vây bọc đảo nhỏ quanh năm như lời Binh nhất Nguyễn Huỳnh Công Tước. Tôi còn cảm nhận được cả vị mồ hôi của những người lính Hải quân đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc trên biển.
Một mùa xuân nữa đang về. Trong tôi lại rộn ngân lên những giai điệu rất đẹp trong ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long. Không xa đâu Trường Sa, đất liền và người thân cùng người dân nơi quê nhà luôn hướng về các anh-những người lính Hải quân trung dũng, kiên cường, luôn hết lòng vì sự bình yên của Tổ quốc.
Hoàng Thanh Hương